Thứ tư, 16/10/2024, 17:00 (GMT+7)

Ông lớn Hacom bị khách hàng khiếu nại bán máy tính lỗi, mập mờ nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn tài chính

Cho rằng sản phẩm máy tính xách tay mua tại chi nhánh Công ty Hacom (Hà Nội) không đảm bảo chất lượng hàng hóa, có dấu hiệu mập mờ về tài chính, nghĩa vụ thuế... khách hàng đã khiếu nạị và từ chối nhận lại sản phẩm bảo hành.

Đâu là số Service tag của máy tính xách tay Dell Vostro 3420, mã hàng 71003348?

Mới đây, tòa soạn Tiếp thị và Gia đình nhận được phản ánh của anh P.C.C (Hà Nội) về việc mua sản phẩm máy tính xách tay tại Công ty CP đầu tư công nghệ Hacom (Công ty Hacom) nhưng khi mang về sử dụng không đảm bảo chất lượng hàng hóa, có dấu hiệu mập mờ về tài chính, thuế, không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Cụ thể, theo phản ánh, do nhu cầu công việc nên ngày 11/8/2024, anh C có mua một máy tính xách tay Dell Vostro 3420 (i5-1235U, 8GB/512GB SSD/14.0 FHD/Win 11/OfficeHS21/Xám), mã hàng 71003348 và có số Service tag là 67CP044 tại chi nhánh Công ty CP đầu tư công nghệ Hacom (địa chỉ tại số 129 + 131, phố Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

hacom1
Chi nhánh Công ty CP đầu tư công nghệ Hacom (địa chỉ tại số 129 + 131, phố Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nơi anh C mua máy tính.

Theo phiếu xuất kho kiêm bảo hành, sản phẩm máy tính xách tay Dell Vostro 3420 nêu trên được Công ty Hacom bán cho khách hàng trị giá 14.399.000 đồng (đã bao gồm VAT).

Sau khi mang về sử dụng, anh C kiểm tra máy tính thì phát hiện bị lỗi hỏng bàn phím. Sau đó, ngày 14/9, anh C đã quay lại Công ty Hacom chi nhánh Hai Bà Trưng để phản ánh, yêu cầu nhân viên tại đây nhận lại máy tính để kiểm tra, gửi bảo hành. Sau đó, phía chi nhánh Hacom đã chuyển máy tính của anh C sang Trung tâm bảo hành Dell Hà Nội (số 26 phố Yên Lãng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) để sửa chữa.

Cũng tại phiếu tiếp nhận – bàn giao sản phẩm số 0006706 của Phòng kỹ thuật – bảo hành Công ty CP đầu tư công nghệ Hacom ngày 14/9/2024 ghi nhận, tình trạng thực tế sản phẩm máy tính xách tay Dell Vostro 3420, mã hàng 71003348 của anh C có số Service tag là 67CP044.

Trong khi đó, theo thư xác nhận của Công ty TNHH phân phối SYNNEX FPT – nhà phân phối chính thức các sản phẩm công nghệ thông tin mang nhãn hiệu Dell tại Việt Nam gửi Công ty CP đầu tư công nghệ Hacom xác nhận, sản phẩm máy tính xách tay Dell Vostro 3420 (i5-1235U, 8GB/512GB SSD/14.0 FHD/Win 11/OfficeHS21/Xám) có mã hàng 71003348, số Service tag là 57CP044, được phân phối bởi SYNNEX FPT cung cấp cho Hacom có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Sau khi sửa chữa xong, phía Công ty Hacom đã liên hệ anh C đến nhận lại máy tính, nhưng do nghi ngờ chiếc máy tính ban đầu đã bị tráo đổi do có số service tag không khớp nên anh C đã từ chối nhận lại sản phẩm.

Thông tin về sự việc, anh C cho rằng, Công ty Hacom bán hàng kém chất lượng vì khi bán máy tính cho khách hàng trên phiếu xuất kho, hóa đơn giao hàng không hề có số Service tag; không rõ nguồn gốc xuất xứ khi sản phẩm không có tem nhãn nhập khẩu theo quy định của cơ quan chức năng; không có hóa đơn đỏ sau khi mua hàng và có dấu hiệu trốn thuế; chỉ đưa mỗi phiếu giao hàng có chữ ký của nhân viên bán hàng; sản phẩm mới mua nhưng đã phát sinh lỗi bàn phím và phải gửi bảo hành; không có số seri.

Cũng theo anh C phản ánh, hình ảnh chụp mặt sau sản phẩm mà phía Hancom gửi cho anh C lại được dán tem, trong đó có số Service tag là 67CP044 (có dấu hiệu sửa chữa từ số 5 thành số 6?). Đáng chú ý, khi kiểm tra thông số Service tag 67CP044 trên hệ thống Dell quốc tế lại cho ra kết quả thiết bị được sản xuất tại Isarel chứ không phải từ Trung Quốc như thông tin trên hồ sơ sản phẩm.

Không cung cấp hóa đơn bán hàng, hơn 1 tháng sau khách hỏi mới xuất hóa đơn

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, xuất xứ hàng hóa, thời hạn sử dụng, phí, chi phí, phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán. Thực hiện ghi nhãn hàng hóa bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa theo quy định của pháp luật…

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm: Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

hd
Sau hơn 1 tháng bán hàng, Hacom mới xuất hóa đơn, thông tin hóa đơn không khớp với ngày khách hàng mua hàng. Khách mua ngày 11, Hacom xuất hóa đơn ngày 12/8/2024.

Bên cạnh đó, tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định về thời điểm lập hóa đơn. Theo đó, đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản Nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ Nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Cụ thể, chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng: Lập hóa đơn ngay thời điểm chuyển giao. Bán hàng trả góp: Lập hóa đơn ngay thời điểm nhận tiền tạm ứng hoặc thanh toán đầy đủ. Bán hàng qua sàn thương mại điện tử: Lập hóa đơn sau khi hoàn tất giao dịch và nhận thanh toán từ khách hàng.

Đối với cung cấp dịch vụ, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Cụ thể, trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng)…

Chiếu theo các quy định trên, Công ty Hacom phải xuất hóa đơn điện tử ngay sau khi mua bán giao dịch là ngày 11/8/2024. Tại phiếu xuất kho kiêm bảo hành số 00055294 ngày 11/8/2024 của Hacom cũng ghi rõ: “Quý khách vui lòng lấy hóa đơn tài chính ngay sau khi nhận hàng, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm viết lại vào các ngày khác sau đó”. Quy định là vậy nhưng chính Hacom cũng không thực hiện đúng quy định là phải xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng sau khi khách mua hàng.

Anh C cho hay, sau khi anh phản ánh, khiếu nại thì phải hơn 1 tháng sau (ngày 21/9/2024), Hacom mới gửi hóa đơn giá trị gia tăng số 00004113 qua email cho khách hàng và ngày xuất hóa đơn lại là ngày 12/8/2024.

sv
Số Service tag trên tem máy tính xách tay Dell Vostro 3420 mà khách hàng phản ánh có dấu hiệu sửa chữa?

Thông tin về nội dung số Service tag có dấu hiệu bị sửa chữa từ 57CP044 thành 67CP044, tại buổi làm việc với phóng viên Tiếp thị và Gia đình chiều ngày 3/10, ông Phạm Anh Ngân, Trưởng phòng Kỹ thuật bảo hành Công ty Hacom khẳng định, số Service tag chính xác của máy anh C là số 57CP044 chứ không phải số 67CP044. "Cái này không thể nhái được" - ông Ngân nói.

Cũng trong buổi làm việc, đại diện Hacom đã đưa ra hình ảnh máy tính của khách hàng có nghi ngờ sửa chữa số Service tag và các sản phẩm khác tương tự của Dell để đối chiếu font chữ trên các sản phẩm.

Về việc này, ông Ngân cho hay, do font chữ in của nhà sản xuất nên dẫn đến sự hiểu nhầm trên. Bên cạnh đó, do nhân viên kỹ thuật tiếp nhận có sơ suất ghi nhầm số đầu Service tag từ số 5 thành 6 nên dẫn đến sự hiểu nhầm trên. Cùng đó, đối với việc tra số Service tag 67CP044 cho ra kết quả nguồn gốc xuất xứ máy tính được sản xuất tại Isarel, ông Ngân cho biết thêm nếu là sản phẩm tại Isarel thì ở Việt Nam không bảo hành được, muốn bảo hành tại Dell Việt Nam thì phải chuyển vùng. "Không ai lại đi nhái hàng chuẩn thành hàng của nước khác để mà không bảo hành được" - ông Ngân khẳng định.

Ngoài ra, về phản ánh không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng ngay sau thời điểm giao dịch mua bán, bà Nguyễn Trang Quyên, Kế toán trưởng Công ty Hacom cho rằng, trường hợp của anh C là khách hàng không có nhu cầu xuất hóa đơn, cho nên tất cả các trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn Hacom sẽ tổng hợp và xuất luôn.

Tuy nhiên trường hợp của anh C do khâu bàn giao giữa các ca nên kế toán bên Hacom đã xuất hóa đơn ngay vào ngày hôm sau là ngày 12/8/2024. Đồng thời do anh C không cung cấp địa chỉ email, không để lại thông tin cho phía công ty nên sau khi khách hàng có liên hệ để nhận thông tin hóa đơn, công ty đã chuyển hóa đơn cho khách hàng.

Để làm rõ câu trả lời này có thực sự xác đáng, kính đề nghị cơ quan thuế sở tại vào cuộc, xác minh, làm rõ và trả lời khách hàng, công luận.

Liên quan đến việc sản phẩm phát sinh lỗi phím, cụ thể là "phím Space chập chờn", trong thư gửi khách hàng, Hacom cho biết, bất cứ dòng sản phẩm nào đặc biệt ngành hàng thiết bị công nghệ cũng không tránh khỏi có tỷ lệ xác suất lỗi phần cứng thiết bị hoặc một linh kiện bất kỳ. Điều này không ngoại lệ với máy tính xách tay của nhãn hàng Dell. Đây cũng là lý do các hãng sản xuất luôn cần có chính sách bảo hành kèm theo để đảm bảo việc xử lý, khắc phục các lỗi phần cứng trên linh kiện/thiết bị bán ra. 

Đối với trường hợp máy tính của anh C, lỗi 1 phím Space trên máy cũng là xác suất không may nằm trong tỷ lệ lỗi xác suất từ nhà sản xuất. 

Trước các nội dung trả lời của Hacom, ngày 09/10, anh C cho biết, anh không hài lòng về cách trả lời nêu trên. Anh C đề nghị cơ quan chức năng gồm cơ quan thuế, lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế Hà Nội cần vào cuộc để làm rõ hoạt động kinh doanh của Hacom nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng. Anh C vẫn chưa đồng ý nhận lại sản phẩm đang bảo hành tại Hacom.

Cùng chuyên mục