Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 04/10/2024, 13:50 (GMT+7)

Quy mô 'khủng' của kho hàng chứa hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ của hot Tiktoker Phan Thủy Tiên

Lực lượng quản lý thị trường vừa kiểm tra, tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được hot Tiktoker Phan Thủy Tiên với 4 triệu người follow thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.

Khu vực chốt đơn, 'cày view' rộng tới 1.000m2

Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sáng ngày 3/10, Tổ Thương mại điện tử, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) vừa đột xuất kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker “Phan Thủy Tiên” và thu giữ trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc các nhãn hiệu như: True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri... Số nước hoa trên thường xuyên được hot Tiktoker “Phan Thủy Tiên” livestream bán trên Tiktokshop.

nuochoa2
Khu vực livestream sản phẩm.

Sản phẩm được phát hiện tại tầng 1, CT3, tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Đây là nơi các nhân viên thực hiện chốt đơn và “cày view” cho các video giới thiệu về các sản phẩm như nước hoa, son, bàn chải điện đăng bán chủ yếu trên Tiktok và Facebook. Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T làm Tổng giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản với đầy đủ các khu vực livestream, khu vực chốt đơn, khu vực máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng. Các khu vực được bố trí riêng biệt, khoa học nằm tất cả trên mặt sàn rộng khoảng 1.000m2.

nuochoa3
Sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ.

Tại khu vực đóng gói, đoàn kiểm tra ghi nhận 2 bao tải dứa chứa hàng trăm đơn hàng là nước hoa đã được đóng gói hoàn chỉnh được chốt từ phiên live trước đó. Phía trên mỗi đơn hàng ghi thông tin người nhận ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: Quảng Ninh, Tây Ninh, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... Mỗi đơn hàng có giá vài chục, đến vài trăm nghìn đồng, chờ giao cho đơn vị vận chuyển J&T Express đưa đến tay người tiêu dùng.

Nhanh chóng xác định vị trí kho hàng của công ty, đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục thùng carton được xếp thành từng chồng cao, vẫn nguyên đai nguyên kiện. Kiểm đếm thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận trên 10.000 sản phẩm là nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri…

Theo cơ quan chức năng, toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook dưới một số tài khoản, điển hình như tài khoản “Phan Thủy Tiên” với hơn 4 triệu lượt follow. Đây cũng chính là "hot" Tiktoker bán hàng nổi tiếng trên nền tảng Tiktokshop trong thời gian qua.

Đáng chú ý, khi kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận trên các sản phẩm nước hoa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ; trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Phía dưới đáy vỏ hộp có các mã vạch với các đầu số “697…”. Hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.

IMG_2412.JPG
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm.

Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện Công ty xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp lần đầu vào năm 2018 và Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh đăng ký lần đầu năm năm 2023. Đối với sản phẩm là lô nước hoa, phía công ty chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Đoàn kiểm tra đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại hàng hóa và tiến hành các thủ tục niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm.

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý ra sao?

Tại khoản 13, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đối với hình thức xử phạt, theo quy định tại điểm a khoản 12, điểm a khoản 14 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế;

b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;

c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị áp dụng các mức phạt tiền như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng; phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng; phạt tiền từ 6 – 10 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng.

Tiếp đó, phạt tiền từ 10 – 14 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 14 – 20 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Tương tự, phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng. Phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).

Ngoài phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả là tịch thu các sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ; buộc tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nếu gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Cùng chuyên mục