Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 09/08/2024, 11:40 (GMT+7)

Không có giấy phép kinh doanh, cơ sở vẫn rao bán hàng loạt màn hình ô tô, camera hành trình X7 Metal Shell không rõ nguồn gốc trên Shopee

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh gần 140 màn hình và camera hành trình sử dụng trên ô tô các nhãn hiệu Oledpro, X7 Metal Shell không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép kinh doanh theo quy định…

Tổ Thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của ông N.C.P (sinh năm 1998, Hà Nam) tại địa chỉ số 22 Cầu Đất (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) về vấn đề chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Địa điểm này là một tòa nhà, được ông P thuê để làm điểm chứa trữ kinh doanh hàng hóa, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.

hanghoa1
Cơ sở kinh doanh màn hình và camera hình trình sử dụng trên xe ô tô các nhãn hiệu Oledpro, X7 Metal Shell không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Theo thông tin ban đầu, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác nhận ông N.C.P kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh, nhưng chưa có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Cơ sở này chủ yếu kinh doanh màn hình và camera hành trình sử dụng trên ô tô các nhãn hiệu Oledpro, X7 Metal Shell. Đáng chú ý, các nhãn sản phẩm này không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, đồng thời cũng không có thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận 43 chiếc màn hình sử dụng trên xe ô tô các nhãn hiệu Oledpro X4s, Oledpro X8s, Oledpro A5, Oledpro seri X4, Oledpro seri X5s và 95 chiếc camera hành trình ô tô nhãn hiệu X7 Metal Shell. Lô hàng có trị giá theo niêm yết trên 130 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ kho hàng khai nhận toàn bộ hàng hóa được cơ sở mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không biết rõ họ tên, địa chỉ người bán.

hanghoa2
Toàn bộ hàng hóa được bán trên một tài khoản Shopee có trên 5.000 người theo dõi.

Liên quan đến kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thương mại điện tử, ông P phủ nhận không phải chủ sở hữu của tài khoản https://shopee.vn/gbtech_tongkhomanhinholedpro mà đoàn kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm, đồng thời cho biết, ông là chủ sở hữu tài khoản https://shopee.vn/nguyencongphan12?is_from_login=true.

Lực lượng chức năng cũng đã xác định, cá nhân ông P sử dụng link tài khoản Shopee này với tên gọi DC Auto 9 có trên 5.000 người theo dõi để đăng bán các sản phẩm là màn hình ô tô Oledpro và camera hành trình. Bên cạnh việc bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, một lượng lớn hàng hóa được kinh doanh trực tiếp tại địa chỉ số 22 phố Cầu Đất, quận Hoàn Kiếm.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định pháp luật; đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông N.C.P về các hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đề nghị Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên chuyển về kho tang vật Cục Nghiệp vụ để bảo quản.

Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh có bị phạt không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, áp dụng mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Cùng đó, áp dụng cùng mức xử phạt nêu trên đối với một trong những hành vi sau đây: Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh; không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh; không đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh; trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.

Mức xử phạt đối với các trường hợp không đăng ký hộ kinh doanh theo quy định trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý ra sao?

Tại khoản 13, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại điểm c, khoản 1, Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng. Đồng thời, mức xử phạt này được áp dụng cho các hành vi sau: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Theo đó, mức phạt cao nhất từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Ngoài phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả là tịch thu các sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ; buộc tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nếu gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Cùng chuyên mục