Liên tiếp phát hiện, xử lý hàng nghìn sản phẩm quần áo may sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm quần áo may mặc sẵn, tuy nhiên toàn bộ số hàng hóa này không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ, được xác định thuộc diện hàng hóa nhập lậu.
Thu giữ hàng nghìn áo quần may sẵn có dấu hiệu nhập lậu
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 thuộc Cục QLTT TP Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một kho hàng tại đường Nhơn Hòa 5, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Cuộc kiểm tra này được thực hiện nhằm xác minh nghi ngờ về việc kho hàng đang kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho hàng do ông N.N.L làm chủ, đang kinh doanh hàng hóa là áo quần may sẵn gồm áo đầm, áo thun nữ. Toàn bộ số hàng hóa tại kho hàng này không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ, được xác định thuộc diện hàng hóa nhập lậu theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, Đội QLTT số 6 còn phát hiện ông N.N.L có hành vi vi phạm là không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định, vi phạm điểm c, khoản 1, Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Do vụ việc vượt thẩm quyền, Đội QLTT số 6 đã tạm giữ toàn bộ 860 sản phẩm quần áo may sẵn và lập hồ sơ vụ việc để trình Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt ông N.N.L số tiền 52,5 triệu đồng, bao gồm 2 hành vi vi phạm: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đồng thời, toàn bộ tang vật vi phạm, với trị giá 153,6 triệu đồng, đã bị tịch thu.
Tiếp đó, qua thực hiện công tác nghiệp vụ quản lý, nắm bắt địa bàn, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Môi trường - Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành dừng, khám xe ô tô khách mang biển kiểm soát Un-xxx do ông Sisongkham Vongxayya (địa chỉ tại Thủ đô Viêng Chăn, Nước CHDCND Lào) điều khiển, có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1.120 sản phẩm may mặc sẵn. Toàn bộ số hàng hóa trên có nhãn hàng hóa nhưng trên nhãn không có thông tin về nơi sản xuất; không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với hàng hóa. Do đó không có căn cứ xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông Sisongkham Vongxayya là lái xe ô tô khách khai nhận được bà P.T.N.B thuê vận chuyển số hàng hóa trên từ TP Hà Tĩnh qua Nước CHDCND Lào và hoàn toàn không biết gì về số hàng hóa trên.
Về phía bà P.T.N.B sau khi làm việc với lực lượng chức năng đã khai nhận là chủ sở hữu của 1.120 sản phẩm may mặc sẵn nêu trên. Do nhận thấy thị trường nước bạn Lào có nhiều người ưa chuộng mặt hàng này nên bà B đã tìm kiếm, mua trôi nổi trên thị trường ở TP Hà Tĩnh để vận chuyển qua Lào bán kiếm lời. Do đó, toàn bộ lô hàng ước tính gần 100 triệu đồng này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp đối với hàng hóa. Đội QLTT số 6 đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng tại Hà Tĩnh, trước đó, Đội QLTT số 6 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành dừng, khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 89H - xxx do ông P.V.H (địa chỉ tại xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có 2.900 cái áo khoác nữ là trang phục tập Yoga do nước ngoài sản xuất, số hàng hóa này không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, trị giá hàng hóa ước tính 55,1 triệu đồng.
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý ra sao?
Tại khoản 13, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại điểm c, khoản 1, Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng. Đồng thời, mức xử phạt này được áp dụng cho các hành vi sau: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Theo đó, mức phạt cao nhất từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Ngoài phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả là tịch thu các sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ; buộc tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nếu gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh có bị phạt không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, áp dụng mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Cùng đó, áp dụng cùng mức xử phạt nêu trên đối với một trong những hành vi sau đây: Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh; không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh; không đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh; trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Mức xử phạt đối với các trường hợp không đăng ký hộ kinh doanh theo quy định trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
Ngày 26/4/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BCT (sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương) về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Theo đó, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.
Theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn gồm: Quần, áo, váy, các loại vải may mặc, các loại thảm trải sàn, hàng phụ kiện may mặc như tất, khăn, mũ, găng tay, cà vạt, chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa, giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự… chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định.
- Ngăn chặn gần 2,5 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị lên bàn nhậu
- Không có giấy phép kinh doanh, cơ sở vẫn rao bán hàng loạt màn hình ô tô, camera hành trình X7 Metal Shell không rõ nguồn gốc trên Shopee
- Tràn lan mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm giả lưu thông trên thị trường, Hà Nội 'siết' xử lý nghiêm