Thứ hai, 23/09/2024, 06:12 (GMT+7)

Chất bảo quản paraben trong lô mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser vừa bị thu hồi gây nguy hại như thế nào?

Sản xuất mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraen và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được công bố, Công ty Nguyễn Quách bị buộc thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm.

Sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng, Công ty Nguyễn Quách bị đề nghị kiểm tra

Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với lô sản phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách.

Theo đó, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser - hộp 1 lọ 8g; số lô: 23032401; NSX: 23/03/2024; HSD: 23/03/2027; số công bố: 001366/22/CBMP-HCM;

Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách (địa chỉ tại 25 đường 4C, khu phố 4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM). Sản xuất tại chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách (địa chỉ tại 111/10 Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM).

Lý do thu hồi lô mỹ phẩm nêu trên, theo Cục Quản lý Dược là do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraen và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

mypham
Ảnh minh họa: Internet.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, trước đó, theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm - Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và hồ sơ liên quan báo cáo lô sản phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser - hộp 1 lọ 8g cho thấy, mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm - Sở Y tế tỉnh Trà Vinh lấy mẫu tại Shop Tân Giai Phát (địa chỉ tại 54 Hùng Vương, phường 4, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) để kiểm tra chất lượng.

Kết quả, mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraen và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm mỹ phẩm đã được công bố.

Văn bản của Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser - hộp 1 lọ 8g nêu trên; trả về cơ sở cung ứng sản phẩm và tiến hành thu hồi, tiêu hủy lô sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên. Đồng thời, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách, cơ quan chức năng của Bộ Y tế yêu cầu phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser – hộp 1 lọ 8g nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả về và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi lô sản phẩm vi phạm về Cục Quản lý Dược trước ngày 18/10/2024.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế TP HCM kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách và chi nhánh công ty trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 31/10/2024.

Ở diễn biến liên quan, trước đó, vào năm 2022, Cục quản lý Dược cũng có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc sản phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser - lọ 10g (số lô: 02062202; NSX: 02/06/2022; HSD: 02/6/2025) do chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách sản xuất. Lý do thu hồi là do sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều khối lượng và khối lượng trung bình.

Tương tự, hồi cuối năm 2022, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng đã xử phạt Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách với số tiền 70 triệu đồng về hành vi sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, là sản phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser - lọ 10g, số lô 02062202, ngày sản xuất 2/6/2022; hạn dùng 2/6/2025, được xác định không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều khối lượng và khối lượng trung bình.

Cùng với phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế TP HCM còn buộc Công ty Nguyễn Quách  thu hồi toàn bộ lô Kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser nói trên.

Paraben trong mỹ phẩm có hại thế nào?

Được biết, paraben là tên gọi chung của nhóm các dẫn xuất gồm các chất bảo quản hóa học được sử dụng rộng rãi nhất trong mỹ phẩm. Paraben trong mỹ phẩm có vai trò hạn chế tăng sinh vi khuẩn, hạn chế sự phân hủy của các hóa chất, đảm bảo sản phẩm không bị hư hỏng.

Thông tin trên báo chí, ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam, Trưởng Khoa Da liễu Miễn dịch, Bệnh viện 19-8 cho biết, paraben dùng làm tá dược trong mỹ phẩm với một lượng vừa đủ để bảo quản sản phẩm. Thành phần này có mặt trong hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng ẩm, sản phẩm chăm sóc tóc, sản phẩm cạo râu, chất khử mùi, sữa tắm, các loại kem dưỡng thể và mỹ phẩm trang điểm.‏ Có thể tìm thấy thành phần paraben trong mỹ phẩm dưới các tên phổ biến như butylparaben, ethylparaben, methylparaben và propylparaben.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), paraben có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là khi sử dụng các sản phẩm có nồng độ paraben cao.

‏Paraben trong mỹ phẩm có thể gây tình trạng kích ứng, tổn thương trên da, nhất là đối với người có làn da nhạy cảm. Thành phần methylparaben có thể phản ứng với tia UVB trong ánh nắng mặt trời gây lão hóa sớm và làm tăng nguy cơ mắc ung thư da, ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo cho biết thêm.

Thậm chí, paraben có thể gây ung thư vú ở phụ nữ hoặc làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản do làm tăng lượng estrogen trong cơ thể. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy paraben có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng sinh sản ở nam giới. Theo đó, butylparaben có thể gây giảm chất lượng, số lượng và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tinh trùng. Chính vì những tác hại nêu trên, paraben không được cấp phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Từ năm 2015, Cục Quản lý Dược đã loại một số chất sử dụng trong mỹ phẩm, trong đó có butylparaben và các muối, propylparaben và các muối, dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid) và 05 paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) được bổ sung vào danh mục các chất không được dùng trong mỹ phẩm.

ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo khuyến cáo, khi mua và sử dụng bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào, cần tìm hiểu kỹ về thành phần trong sản phẩm, nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ trước khi lựa chọn.‏ Nếu bản thân không chắc chắn liệu sản phẩm mỹ phẩm đó có paraben hay không, bạn có thể nhìn vào danh sách các thành phần ở mặt sau của chai sản phẩm. Nếu có, paraben thường được ghi trong mục tá dược, nằm ở dòng dưới cùng trong bảng thành phần.

Một số thành phần paraben phổ biến nhất như methylparaben, propylparaben, butylparaben, isopropylparaben và isobutylparaben…

Cùng chuyên mục