Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 19/09/2024, 16:01 (GMT+7)

Mỹ phẩm nước hoa NICE GIRL của Công ty Ân Thiên Vĩ bị 'tuýt còi' vì có thể gây hại cho sức khỏe người dùng, ai đang sử dụng nên bỏ ngay

Theo Cục Quản lý Dược, sản phẩm nước hoa NICE GIRL, nhãn hàng B&B Perfume của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ không rõ nguồn gốc, không an toàn cho người sử dụng, buộc phải thu hồi, tiêu hủy.

Thu hồi, tiêu hủy sản phẩm nước hoa mất an toàn trên phạm vi cả nước

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo về việc thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm nước hoa NICE GIRL, nhãn hàng B&B Perfume của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ do sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn cho người sử dụng, Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Dược thông tin.

Cục Quản lý Dược cho biết, căn cứ văn bản đề xuất 27/02/2024 của Sở Y tế TP HCM về việc đề nghị chỉ đạo giám sát lưu thông sản phẩm mỹ phẩm nước hoa NICE GIRL, nhãn hàng B&B Perfume của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ số công bố 71/22/CBMP-TG, sản phẩm bị nghi ngờ không đạt chất lượng. Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Cùng đó, căn cứ theo quyết định ngày 16/8/2024 của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang về việc thu hồi 6 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH nhà máy sản xuất Victory Hoa Việt sản xuất và Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Lý do: Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ không còn hoạt động tại địa chỉ kê khai trên phiếu công bố.

nuochoa
Sản phẩm nước hoa NICE GIRL, nhãn hàng B&B Perfume của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ không rõ nguồn gốc, không an toàn cho người sử dụng, buộc phải thu hồi, tiêu hủy.

Do đó, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm trên nhãn ghi thông tin: Nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume; sản phẩm của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ (địa chỉ tại 32/13 đường Thạnh Lộc 12, tổ 13, khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM; số công bố: 71/22/CBMP-TG. Theo Cục Quản lý Dược, sản phẩm nước hoa NICE GIRL, nhãn hàng B&B Perfume của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ là sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn cho người sử dụng.

Trước những lý do nêu trên, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm Nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume; tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng mỹ phẩm và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume nêu trên. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở kinh doanh, người sử dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc sản phẩm Nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume không rõ nguồn gốc nêu trên, và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TP HCM giám sát Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm; Sở Y tế tỉnh Tiền Giang giám sát Công ty TNHH nhà máy sản xuất Victory Hoa Việt trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Tác hại khi dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chuyên gia khuyến cáo gì?

Thông tin trên báo chí, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng việc sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến ở nước ta. Mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thường là mỹ phẩm giá rẻ và không được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Tác hại ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng tỷ lệ thuận với thời gian và mức độ sử dụng mỹ phẩm của mỗi người. Sử dụng càng lâu dài, càng nhiều chủng loại mỹ phẩm thì mức độ nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ càng cao.

Đã có rất nhiều người phải đến bệnh viện điều trị da mặt sau một thời gian dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo bác sĩ Oanh, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Rất nhiều trường hợp khi sử dụng những loại mỹ phẩm này đã để lại nhiều tác hại trên da. Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.

Một nguy cơ nữa đó là sau khi sử dụng trong thời gian dài, da mặt bị mỏng hơn dẫn đến nguy cơ gây ung thư da. Đặc biệt khi dùng những sản phẩm có quá nhiều chì hay những kim loại nặng có thể làm cho da bị sạm hơn.

Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là những kim loại nặng trong mỹ phẩm. Những chất kim loại này khi vượt quá hàm lượng cho phép sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết... thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh.

Bác sĩ Oanh cũng khuyến cáo, khi chọn mua mỹ phẩm, chị em cần phải chọn mua sản phẩm tại những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng. Một gợi ý cho chị em khi lựa chọn sản phẩm đó là kiểm tra thông qua mã vạch, tem chống hàng giả của nhà sản xuất. Đồng thời phải lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp với loại da của mình. Để chắc chắn khi sử dụng không bị kích ứng hoặc gặp tác dụng phụ thì nên đến chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ để được thăm khám và tư vấn từ những người có chuyên môn.

Mặt khác, khi sử dụng mỹ phẩm, nếu có những dấu hiệu bất thường như mẩn đỏ, da châm chích, sưng đỏ,...cần ngưng sử dụng sản phẩm đó ngay và đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu gần nhất để thăm khám. Ngoài ra khi đi khám cần mang theo loại mỹ phẩm mà chị em đang sử dụng để các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị nhanh nhất.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư số 7/VBHN-BYT, sản phẩm mỹ phẩm được giải thích là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 13, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP định nghĩa hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Điều 13 Thông tư số 7/VBHN-BYT quy định yêu cầu về an toàn sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm.

Về hình thức xử phạt, theo điểm a khoản 12, điểm a khoản 14, Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 7, Điều 147 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP) quy định, hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế…

Theo đó, hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị áp dụng các mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng nếu mỹ phẩm vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm thì bị phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP)

Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Cùng chuyên mục