Kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nguy hại cho trẻ em bị xử lý thế nào?
Hành vi kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên (theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP)…
Hàng nghìn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc bị tạm giữ, tiêu hủy
Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng vừa phát hiện, tạm giữ hơn 1.900 sản phẩm hàng hóa nhập lậu là đồ chơi trẻ em có trị giá hơn 101 triệu đồng, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).
Cụ thể, qua quá trình thu thập thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, ngày 10/9, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP Đà Nẵng phối hợp với Công an TP Đà Nẵng thực hiện kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hơn 1.900 đơn vị sản phẩm là đồ chơi trẻ em các loại, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không có tem chứng nhận hợp quy (CR) theo quy định; có tổng trị giá hàng hóa hơn 101 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không có dấu hợp quy (CR) theo quy định; tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc, xử phạt theo quy định.
Tương tự, tại Nghệ An, ngày 9/9, Đội QLTT số 3 Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Lê Viết Lưu (địa chỉ tại đường Hồng Sơn, phường Hồng Sơn, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện và buộc tiêu hủy 1.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng giá trị thu phạt là 33 triệu đồng.
Còn tại Đắk Lắk, chiều ngày 30/8, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện giám sát tiêu hủy đối với hơn 2.300 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, ngày 21/8, Đội QLTTsố 1 kiểm tra tại cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại thôn 4, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện chủ cơ sở kinh doanh đang bày bán hàng hóa là đồ chơi trẻ em gồm: 145 cái đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống súng, loại dài; 1.957 cái đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống súng, loại ngắn; 130 cái đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống kiếm; 128 bộ đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống cung (nỏ). Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ nào để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Tại tỉnh Ninh Bình, ngày 29/8, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em C.N (có địa chỉ tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 660 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại (máy bay đồ chơi, đồ chơi trẻ em xếp hình, đồ chơi hình thú) có trị giá 28,8 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ theo quy định. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số tang vật vi phạm nói trên và ban hành quyết định xử phạt hộ kinh doanh T.N.C về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu theo quy định…
Kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý ra sao?
Theo quy định tại khoản 13, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, qua đó căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa được quy định như sau: Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan; giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với hình thức xử phạt, về hành vi kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, pháp luật có quy định cụ thể về mức xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 11, khoản 13, khoản 14, Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật trong quá trình kinh doanh đồ chơi trẻ em. Trong trường hợp số đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ đó gây nguy hại cho sức khỏe con người, thì sẽ phải tiêu hủy tang vật vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên.
Kinh doanh đồ chơi trẻ em nguy hiểm bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Mục X Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM ban hành danh mục chi tiết hoá hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, những loại đồ chơi trẻ em được xác định là đồ chơi nguy hiểm, có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị cấm bao gồm:
Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng như: Súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ. Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác: Giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; Giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...). Các loại pháo: Pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng.
Các loại đồ chơi ảo. Các loại đồ chơi dưới dạng văn hoá phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em. Các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm. Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em. Các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, có mục đích xấu.
Cá nhân có hành vi kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy hại cho trẻ em thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, kinh doanh đồ chơi trẻ em nguy hiểm bị cấm có thể bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em. Đây là mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi pham sẽ áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân (theo khoản 2, Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
- Tràn lan hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, chế tài kiểm soát thế nào?
- Livestream bán hàng nhập lậu, tiktok shop Hương Anh bị xử phạt, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm
- Long An: Phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu bán trên mạng xã hội
- Trước khi bị thu hồi thuốc phòng rối loạn tiền đình vì vi phạm chất lượng, Dược Trung ương 3 từng dính những 'phốt' nghiêm trọng nào?
- Lộ lý do thuốc viên nén Ubiheal 300 trị rối loạn cảm giác của Dược phẩm Nam Hà bị 'tuýt còi'
- Mật ong giả được sản xuất tinh vi, nằm lòng cách phân biệt này để không mất tiền oan và rước bực vào người