Mật ong giả được sản xuất tinh vi, nằm lòng cách phân biệt này để không mất tiền oan và rước bực vào người
Số lượng lớn mật ong giả do Công ty TNHH Ong Hòa Bình sản xuất được cơ quan chức năng kết luận là không có giá trị sử dụng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…
Sản xuất mật ong giả, Công ty TNHH Ong Hòa Bình bị khởi tố vụ án hình sự
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành thông báo về việc khởi tố vụ án hình sự sản xuất hàng giả là thực phẩm, xảy ra tại Công ty TNHH Ong Hòa Bình (địa chỉ tại tổ dân phố Hưởng Lộc, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Vụ việc được phát giác từ quá trình kiểm tra, giám sát của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.
Thông tin từ Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau quá trình thẩm tra, xác minh vụ việc sản xuất, kinh doanh mật ong giả xảy ra tại Công ty TNHH Ong Hòa Bình, nhận thấy có dấu hiệu tội phạm hình sự, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển giao vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, tiếp nhận hồ sơ, tang vật vi phạm để tiếp tục điều tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trước đó, vào tháng 12/2023, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành khám xét xe ô tô tải mang BKS 29C-680.26 do ông Phạm Văn Lộc (sinh năm 1989) là lái xe đang vận chuyển hàng hóa là 3.000 chai mật ong Hòa Bình, loại thể tích thực V600ml, do Công ty TNHH Ong Hòa Bình (địa chỉ tại tổ dân phố Hưởng Lộc, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sản xuất.
Kiểm tra thực tế, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ lô hàng và số mật ong trên có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Do vậy, Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc cùng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Ong Hòa Bình do ông Nguyễn Văn Thái làm giám đốc. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Ong Hòa Bình đang sản xuất, kinh doanh, hàng hóa đã thành phẩm gồm 690 chai mật ong Hòa Bình loại chai 600ml và một số hàng hóa chưa thành phẩm. Đội QLTT số 5 tiếp tục tạm giữ toàn bộ số hàng hóa đang lưu giữ tại công ty, đồng thời lấy mẫu để kiểm nghiệm, giám định chất lượng sản phẩm để xử lý theo quy định.
Cơ quan chức năng đã tiến hành làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Căn cứ hồ sơ, tài liệu và kết quả kiểm nghiệm, giám định các chỉ tiêu chất lượng đối với các sản phẩm mật ong do Công ty TNHH Ong Hòa Bình sản xuất, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc kết luận Công ty TNHH Ong Hòa Bình đã có hành vi sản xuất hàng hóa là mật ong không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa.
Cùng đó là, hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng là hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (hàng giả là thực phẩm) theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chi tiền triệu mua nhầm mật ong giả, chuyên gia chỉ cách phân biệt đơn giản
Mật ong được cho là một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh khá tốt, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chính vì thế, mật ong được nhiều gia đình ưa chuộng và giá thành khá cao. Vì lợi nhuận không ít người sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc để làm mật ong giả.
Điển hình, ngày 3/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm xảy ra tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Trước đó, vào tháng 6/2022, kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong Hoa Nhãn do ông Nguyễn Phan Quyết (sinh năm 1972) làm chủ tại thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, cơ quan chức năng đã bắt quả tang cơ sở đang sản xuất mật ong từ đường, nha và nước cốt mạch nha pha theo tỷ lệ. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng ghi nhận hơn 2.000 lít mật ong Hoa Nhãn đã được đóng gói thành phẩm.
Trên nhãn sản phẩm ghi công dụng là bồi bổ cơ thể, chống quá trình lão hóa cho hệ tiêu hóa và tuần hoàn, dùng để điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng. Địa chỉ nơi sản xuất thể hiện trên nhãn là xã Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên, khác xa so với địa điểm mà cơ sở đang sản xuất. Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ về đăng ký kinh doanh cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của nguyên liệu, hàng hóa.
Theo tìm hiểu, với mỗi thùng nha 70kg sẽ cho ra khoảng 45 lít mật ong. Một chai mật ong 1 lít được cơ sở bán ra với giá 99.000 đồng. Đặc biệt, 100% hàng hóa của cơ sở này được bán trên nền tảng thương mại điện tử Facebook.
Thông tin trên báo chí, về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhìn chung có ba loại mật ong gồm: Mật ong rừng là mật do ong làm tổ và tạo mật tự nhiên, không có bất kỳ tác động nào của con người lên quá trình tạo mật. Tuy nhiên, mật ong này cực hiếm, vì vậy cần cảnh giác với các quảng cáo rằng mật ong rừng, vì có thể là hàng giả.
Mật ong nuôi là mật của ong được con người nuôi, hiện có rất nhiều và đa số mật được thu hoạch vào mùa hoa, có giá trị về mặt dinh dưỡng nhưng không tốt bằng mật ong rừng. Mật ong giả được làm từ đường và một số phụ gia, hương liệu khác.
Về mặt sức khỏe, mật ong giả không quá gây hại vì nguyên liệu chủ yếu được làm từ đường. Nhưng nếu sử dụng mật ong giả quá nhiều có thể dẫn đến mất cân bằng tiêu hóa hoặc có nguy cơ mắc bệnh béo phì. Đặc biệt, mật ong giả không thể có được những đặc tính như mật ong tự nhiên, cụ thể là khả năng kháng khuẩn.
“Điều quan trọng, làm giả mật ong gây thiệt hại về kinh tế và lừa đối người tiêu dùng. Ví dụ bạn mua tặng người thân 1 chai mật ong được quảng cáo nguyên chất, giá cao nhưng về phát hiện thực chất là đường cô đặc không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ thêm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, phương pháp làm mật ong giả được các đối tượng tiến hành khá đơn giản. Đó là dùng chè đen pha thành nước màu nâu. Sau đó cho đường vào nước này với số lượng nhiều và cô đặc lại. Khi thành phẩm đặc sánh như mật ong thì dừng lại. Người ta dùng nước này cùng với một phần nhỏ mật ong thật để tạo ra mật ong giả. Lúc này, thành phẩm có mùi, màu vàng như mật ong. Các đối tượng còn có thể thả thêm xác ong, sáp ong vào nhằm tăng độ tin cậy cho hàng hóa. Người tiêu dùng rất khó phân biệt qua màu sắc, mùi, vị.
Do đó, để phân biệt mật ong thật, giả, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh có thể dùng cách dưới đây. Đó là, dùng một tờ giấy, tốt nhất là giấy chống thấm, nhỏ lên giấy một giọt mật ong to. Sau đó để tờ giấy có mật ong ở khu vực có kiến để xem phản ứng. Nếu kiến bu đến thì đó là mật ong giả, còn kiến không dám vào là mật ong thật. Lý do là thành phần của mật ong thật giống như chất kháng sinh tự nhiên, vì thế kiến rất sợ.
Hoặc, lấy một bát nước lạnh, dùng ống hút nhúng một đầu vào mật ong, rồi nhỏ giọt mật ong xuống bát nước. Mật ong thật sẽ không tan trong nước, còn mật ong giả được làm từ đường nên tan dần và sẽ loãng ra nước. Khi lấy mật, lưu ý hút ít và nhỏ giọt vào nước, nếu bạn lấy nhiều mật sẽ không kịp tan vào nước và rất khó phát hiện thật giả.
Mật ong được coi là siêu thực phẩm, nhiều giá trị dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Sử dụng mật ong thường xuyên rất tốt cho cơ thể, nhưng không nên dùng quá nhiều, chỉ cần khoảng 5 ml/ngày với người khỏe mạnh.
Chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng?
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng…
Trong khi đó, tại Điều 10 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và điểm a, b, khoản 6 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về mức phạt hành chính đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định, phạt tiền từ 5 – 200 triệu đồng tùy vào loại hàng hóa bị làm giả về công dụng và tùy vào mức độ vi phạm. Mức phạt tiền nói trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm hoặc tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 - 24 tháng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tùy vào trường hợp và mức độ vi phạm.
Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có bị xử lý hình sự không?
Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm.
Bên cạnh đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; buôn bán qua biên giới; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
Cùng đó, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Tiếp đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%.
Ngoài ra, phạt tù từ 15 – 20 năm hoặc tù chung thân đối với người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc một trong các trường hợp sau: Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Với các hành vi trên, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mặt khác, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 – 3 tỷ đồng; phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 – 6 tỷ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6 – 9 tỷ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9 – 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 – 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
- 5 tác dụng phụ có thể gặp khi uống mật ong, xem ngay để tránh
- Uống mật ong mắc phải sai lầm này cẩn thận gây hại cho sức khỏe, biết ngay kẻo hối không kịp
- Quảng cáo mật ong hoa vải hàng nghìn người xem và cách con trai Bà Tân Vlog giải quyết khi bị tố bán hàng "rởm"