Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 18/09/2024, 08:03 (GMT+7)

Vi phạm khi quảng cáo thực phẩm Bình vị Thái Minh, Khương Thảo Đan Gold, công ty thuộc Thái Minh bị điểm tên, 2 cá nhân đứng tên website vi phạm bị phạt nặng

Trong danh sách các cơ sở vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị Bộ Y tế xử phạt, nổi bật lên một số cái tên như Công nghệ cao Thái Minh, Dược phẩm Pharmacity, Dược phẩm An Khang Pharma…

Hàng loạt cơ sở vi phạm quảng cáo thực phẩm bị phạt nặng

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công khai danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (từ ngày 8/4 đến ngày 28/8/2024), theo Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm.

Theo đó, danh sách các cơ sở vi phạm bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt bao gồm: Công ty CP Dược phẩm Phú Thọ, Công ty CP dược phẩm FAMAX, Công ty TNHH BEHE Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Hân Korea, Công ty CP Dược phẩm Tín Phong, Công ty TNHH Dược phẩm TIM, Công ty CP Công nghệ Cao Thái Minh, Công ty CP Dược phẩm OPV, Công ty TNHH Nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng, Công ty CP Dược phẩm Pharmacity, Công ty CP Dược phẩm An Khang Pharma…

binhvithaiminh2
Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Thái Minh trên website: binhvithaiminh.com giới thiệu là website chính thức của Công ty CP Công nghệ Cao Thái Minh.

Cụ thể, Công ty CP Dược phẩm Phú Thọ (địa chỉ tại số 29 đường 52 cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP HCM) vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kunni Cordyceps Reishi. Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 802/2021/ĐKSP ngày 25/1/2021. Doanh nghiệp này bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt cao nhất với số tiền 165 triệu đồng.

Tiếp đó, Công ty CP Dược phẩm FAMAX (địa chỉ số 16/122 ngõ 509 phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bị xử phạt 145 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe LIFAMAX. Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2516/2023/ĐKSP cấp ngày 15/3/2023.

Công ty TNHH BEHE Việt Nam (địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà văn phòng Lidaco-Vinaconex 7, số 19 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị phạt 95 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hebora Platinum Youth Drink (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2014/2024ĐKSP). Buộc cải chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hebora Platinum Youth Drink tại đường link vi phạm.

Cùng đó, Công ty CP Dược phẩm Tín Phong (địa chỉ tại lô B8-B10/D6, Khu đô thị Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ phế Kha Tử Tín Phong (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7483/2019/ĐKSP ngày 21/6/2019) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên ngậm Bổ phế Kha Tử Tín Phong (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 9874/2020/ĐKSP ngày 8/10/2020). Với hành vi này, doanh nghiệp bị xử phạt 75 triệu đồng.

Cùng bị xử phạt mức 75 triệu đồng, Công ty TNHH Dược phẩm TIM (địa chị trụ sở số 116 ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ PULLACO (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2486/2019/ĐKSP ngày 13/3/2019) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ PULACO® SIRO (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 8529/2021/ĐKSP ngày 23/9/2021).

Với lỗi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, chất lượng và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Brewer’s Yeast Biotin 10000 (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 937/2024/ĐKSP ngày 24/1/2024), Công ty TNHH Thương mại Hân Korea (địa chỉ tại số 11A, đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bị xử phạt 80 triệu đồng.

Công ty CP Dược phẩm OPV (địa chỉ tại số 27, đường 3A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị xử phạt 70 triệu đồng do vi phạm quảng cáo 3 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gồm: Calci Life (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 9451/2023/ĐKSP ngày 23/12/2023); CENTOVIT Multi – Vit with Lysine (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 1278/2024/ĐKSP ngày 2/2/2024); STAR IVY SYRUP (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 6980/2023/ĐKSP ngày 19/9/2023).

Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm buộc Công ty CP Dược phẩm OPV phải cải chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Calci Life vi phạm tại website (https://rvgroups.co) và thu hồi sản phẩm in (biển, bảng, pano) có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Calci Life, CENTOVIT Multi – Vit with Lysine và STAR IVY SYRUP vi phạm tại các sự kiện ngày Quốc tế Yoga, họp báo.       

Không thực hiện và lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu thông phân phối để truy xuất mọi lô sản phẩm theo quy định của pháp luật; không thực hiện lưu giữ mẫu nguyên liệu ban đầu, thành phẩm theo quy định, Công ty CP Dược phẩm Phong Phú (địa chỉ tại số 55 khu Chợ, thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) bị xử phạt 50 triệu đồng.

Các sản phẩm của Dược phẩm Thái Minh được quảng cáo sai và người quảng cáo bị phạt nặng

Bên cạnh đó, Công ty CP Công nghệ Cao Thái Minh (địa chỉ tại lô CN5, Khu Công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Thái Minh (Giấy tiếp nhận đăng ký số 863/2020/ĐKSP ngày 5/2/2020).

binhvithaiminh
Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Thái Minh có dấu hiệu vi phạm tại website: binhvithaiminh.com giới thiệu là website chính thức của Công ty CP Công nghệ Cao Thái Minh.

Đối với cá nhân, ông Lê Quang Anh Tuấn (khu 7 Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khương Thảo Đan Gold (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6922/2021/ĐKSP ngày 28/7/2021). Với vi phạm này, ông Tuấn bị xử phạt 72,5 triệu đồng.

Tương tự, bà Lê Thị Vân Anh (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại 5/421 Bình Lộc, phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương; địa chỉ tạm trú tại số 26 đường Đồng Bát, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cũng bị xử phạt 72,5 triệu đồng. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu bà Lê Thị Vân Anh phải cải chính thông tin, tháo dỡ, xoá quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Bình Vị Thái Minh tại đường link: https://binhvithaiminh.vn/.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đối Công ty CP Dược phẩm Pharmacity, Công ty CP Dược phẩm An Khang Pharma, Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng. Mỗi đơn vị bị xử phạt 25 triệu đồng.

Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, vào đầu tháng 2/2024, Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sỹ, dược sỹ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc làm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, không có bất kỳ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Theo Cục An toàn thực phẩm, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, người tiêu dùng cần chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên;

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, kiểm tra trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Ở diễn biến khác, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về kiến nghị liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong văn bản, Bộ Y tế cho biết, việc quảng cáo thực phẩm hiện nay được quy định chặt chẽ trong Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP và Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Tuy nhiên, một số tổ chức và cá nhân vẫn không tuân thủ, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc vượt tính năng, công dụng được phê duyệt.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương để tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tên các cơ sở, sản phẩm vi phạm sẽ được công bố công khai trên các trang vfa.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, cảnh báo về an toàn thực phẩm và khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất đưa vào văn bản quy phạm pháp luật các biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Cùng chuyên mục