Thứ sáu, 31/05/2024, 09:39 (GMT+7)

'Đánh bay tiểu đường type 1, chữa dứt điểm huyết áp cao'..., nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng đã lừa dối người tiêu dùng thế nào?

"Thực tế, không có sản phẩm khoa học nào có tác dụng như quảng cáo đánh bay tiểu đường type 1, type 2, chữa dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao… Những quảng cáo sai phạm trong lĩnh vực TPCN đã và đang gây ra những tác hại nguy hiểm cho xã hội", Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng nhấn mạnh.

Báo Điện tử Chính phủ đưa tin, buổi Tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" diễn ra vào ngày 29/5 đã nêu ra các vấn đề “nhức nhối” trong quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng hiện nay.

Vi phạm quảng cáo diễn ra phổ biến

Thực trạng quảng cáo các sản phẩm chức năng đang gây nhiều bức xúc, khó chịu cho cả các đơn vị, ban quản lý ngành cũng như người tiêu dùng cả nước; trong đó có 4 hiện tượng sai phạm phổ biến, bao gồm:

  • Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; 

  • Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; 

  • Quảng cáo mơ hồ, gây hiểu nhầm; 

  • Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo).

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, khoảng 80% quảng cáo sản phẩm trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc trên internet hiện nay là "trá hình" thực phẩm chức năng.

qc 8
Buổi tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" do Hiệp hội TPCN Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Cục ATTP Bộ Y tế diễn ra tại Hà Nội

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết: "Thực tế, không có sản phẩm khoa học nào có tác dụng như quảng cáo đánh bay tiểu đường type 1, type 2, chữa dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao… Những quảng cáo sai phạm trong lĩnh vực TPCN đã và đang gây ra những tác hại nguy hiểm cho xã hội".

Nguyên nhân của thực trạng được chỉ ra là do thiếu quy chế pháp luật liên quan đến ngành quảng cáo, bao gồm: đối tượng quảng cáo, đối tượng kinh doanh quảng cáo và đối tượng pháp hành quảng cáo. Đồng thời, hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe…

Những hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe và tài chính

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, hiện tại Luật An toàn thực phẩm đang chỉ quản lý chung về thực phẩm, còn quy định về quảng cáo hàng hóa nói chung và quảng cáo TPCN nói riêng lại nằm trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, người phát hành quảng cáo chỉ được thực thi theo đúng nội dung đã thẩm định.

Tuy vậy, trên thực tế, có không ít doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm không theo tuân theo nội dung đã thẩm định. Trong đó, không ít doanh nghiệp trình bày rằng, họ quảng cáo đúng theo quy định, song về phía đơn vị, cá nhân khác quảng cáo thì họ không nắm được.

Một tình trạng sai phạm nghiêm trọng cũng đang diễn ra phổ biến là nhiều sản phẩm quảng cáo đang "lách luật", không có sự phân biệt rõ ràng giữa thuốc đông y và TPCN. Những sản phẩm này, khi lên sóng thường không nói rõ sản phẩm là gì, gây hiểu lầm nghiêm trọng, đặc biệt là khi phát sóng trên các nền tảng internet, mạng xã hội.

qc 10
Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội

Thậm chí, nguy hiểm hơn là nhiều quảng cáo về sản phẩm giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam… còn chứa chất cấm.

"Bức xúc nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng!" - ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Trước những sai phạm nhức nhối trong quảng cáo thực phẩm chức năng, ông Trần Đáng cho rằng: "Không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người dùng mà  còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả".

Cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá doanh nghiệp và người tham gia hoạt động quảng cáo

Hướng đến mục tiêu thị trường TPCN phát triển lành mạnh, nâng cao chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã ban hành quy chế về đạo đức quảng cáo TPCN. Quy chế bao gồm 5 chương, 16 điều, chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo TPCN và nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo, biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, trong bản quy tắc đạo đức có những khái niệm rất mới: Người phát hành quảng cáo, người phát hành dịch vụ quảng cáo, người chuyển tài sản phẩm quảng cáo. Đây là 3 đối tượng có thể tạo ra sự chuyển đổi tích cực.

qc 1

Trong đó, Thứ trưởng cũng gợi ý, sau bản quy chế này, cần bổ sung thêm tiêu chí để đo đếm, đánh giá công khai, công bố xếp hạng của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực kiểm soát quảng cáo, nếu không, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ rút tiền không sử dụng nền tảng đó nữa. Với các quảng cáo trên không gian mạng, các năm qua, cơ quan quản lý đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải quảng cáo đúng, nếu vi phạm thì sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tử tế rút tiền, không quảng cáo. Sau đó, bên vi phạm đã phải thỏa hiệp.

"Việc Bộ TT&TT có thể làm là công bố những mạng lưới công nghệ có nhiều quảng cáo vi phạm để các doanh nghiệp biết mà tránh", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng cho biết sẽ có các quy định chặt chẽ hơn với những người nổi tiếng, bao gồm nghệ sĩ, KOLs, KOCs và những người có ảnh hưởng. Theo đó, khi quảng bá sản phẩm, những đối tượng này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm và chỉ đưa thông tin đúng mực, phù hợp với pháp luật, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Hiện tại, liên quan đến vấn đề người nổi tiếng, nghệ sĩ vi phạm quảng cáo, Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Bộ VHTTDL để cùng xây dựng Quy chế xử lý nghiêm khắc như hạn chế biểu diễn, phát sóng hoặc bị “cấm” quảng bá thông tin, hình ảnh các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp xử lý các sai phạm trong quảng cáo. Công tác phối hợp sẽ dựa trên nguyên tắc “ai quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời sống thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng”.

Cùng chuyên mục