Thứ sáu, 25/04/2025
logo
Góc nhìn

Từ vụ cơ sở thẩm mỹ bị nghi sử dụng bằng giả để quảng cáo, luật sư nói gì?

Hồng Phúc Thứ sáu, 25/04/2025, 06:15 (GMT+7)

Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Iris Premium bị nghi sử dụng bằng cấp giả để quảng cáo dịch vụ làm đẹp, luật sư Nguyễn Hồng Tâm đã có những phân tích pháp lý và khuyến cáo để người tiêu dùng bảo vệ mình trước những chiêu trò quảng cáo trong ngành thẩm mỹ.

Cảnh báo dịch vụ làm giả giấy phép hành nghề y chỉ 'trong 1-3 ngày'

Cảnh giác với những quảng cáo sử dụng từ ngữ tuyệt đối như "duy nhất", "tốt nhất", "số một"

Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã tiếp nhận thông tin về một trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp giả để quảng cáo dịch vụ làm đẹp trái phép.

Vụ việc bắt đầu khi tài khoản mạng xã hội mang tên Yuki đăng tải hình ảnh một bằng tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng (do Trường đại học Y Dược TPHCM cấp), được cho là của bà Đ.T.P.T, chủ công ty Iris Premium, để quảng cáo dịch vụ làm đẹp. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, Sở Y tế phát hiện, thông tin về bà Đ.T.P.T không có trong cơ sở dữ liệu của Trường đại học Y Dược TPHCM.

Sở Y tế đã đề nghị Trường đại học Y Dược TPHCM xác minh tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp. Nếu xác nhận đây là bằng giả, Sở sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an TPHCM để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế cũng đã quyết định tạm dừng quy trình cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với công ty Iris Premium cho đến khi vụ việc được giải quyết. Đồng thời, xử lý nghiêm về hành vi quảng cáo dịch vụ trái phép trong lĩnh vực y tế của cơ sở này.

Hình ảnh bằng tốt nghiệp nghi là giả, được cơ sở sử dụng trong quảng cáo dịch vụ làm đẹp trái phép trên mạng xã hội
Hình ảnh bằng tốt nghiệp nghi là giả, được cơ sở sử dụng trong quảng cáo dịch vụ làm đẹp trái phép trên MXH.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, hành vi sử dụng bằng giả để quảng cáo dịch vụ có thể coi đây là một thủ đoạn gian dối nhằm đưa ra các thông tin không chính xác dẫn đến khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ của đơn vị quảng cáo. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn cho khách hàng sử dụng dịch vụ mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Hành vi sử dụng bằng giả để quảng cáo dịch vụ làm đẹp có thể vi phạm vào hai hành vi vi phạm pháp luật như sau:

Cụ thể hành vi sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt có thể lên đến 7 năm tù giam.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, dựa vào bằng giả, chứng chỉ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự hiện hành với khung hình phạt có thể lên đến 5 năm tù giam.

nganh-truyen-thong-thay-gi-tu-nhung-drama-trieu-view-cua-viruss-pham-thoai-10-1629
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Công ty Luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Để tránh vi phạm pháp luật, luật sư khuyến cáo các cơ sở làm đẹp khi thực hiện quảng cáo cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Quảng cáo 2012. Một trong những nguyên tắc quan trọng là không được phép cung cấp thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các dịch vụ và sản phẩm làm đẹp được quảng cáo phải đảm bảo có đầy đủ giấy phép hoạt động, chứng nhận chất lượng và các giấy tờ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, các cơ sở làm đẹp cần được cấp phép bởi cơ quan chức năng, đảm bảo đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp và sử dụng các sản phẩm, thiết bị đạt tiêu chuẩn. Việc không tuân thủ những quy định này không chỉ dẫn đến xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước thực trạng các cơ sở làm đẹp sử dụng bằng giả để quảng cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác khi lựa chọn dịch vụ, lựa chọn các cơ sở uy tín thay vì giá rẻ hoặc những lời quảng cáo hấp dẫn.  

Trong trường hợp phát hiện các cơ sở làm đẹp sử dụng bằng giả hoặc có dấu hiệu quảng cáo trái phép, người dân cần nhanh chóng trình báo đến các cơ quan chức năng như Sở Y tế, Công an hoặc Ủy ban nhân dân địa phương. Việc tố giác kịp thời không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ cộng đồng khỏi những rủi ro không đáng có.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục