Thứ năm, 24/04/2025
logo
Đánh giá sản phẩm

Quảng cáo mà không có tài liệu hợp pháp để chứng minh, Viện thẩm mỹ Lavender by Chang tiếp tục bị xử phạt

VIÊN VIÊN Thứ năm, 24/04/2025, 07:04 (GMT+7)

Viện thẩm mỹ Lavender by Chang bị xử phạt 30 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật. Cơ sở này đã sử dụng nhiều cụm từ như “nhất”, “duy nhất”, “số một” trong các nội dung quảng cáo mà không có tài liệu hợp pháp để chứng minh.

Bóc trần Thẩm mỹ viện DG Luxury: Biến tiệm gội đầu, cắt tóc thành trung tâm thẩm mỹ 'chui'

Xây dựng thương hiệu thẩm mỹ: Vì sao một phòng khám thẩm mỹ tại TP.HCM hút khách?

Viện thẩm mỹ KangJin - Tiên phong xu hướng thẩm mỹ AI

Viện thẩm mỹ  Lavender by Chang – thuộc Công ty TNHH Lavender Sài Gòn – vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt hành chính 30 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sai sự thật. Đây không phải là lần đầu cơ sở này vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo và khám chữa bệnh.

Theo thông tin Sở Y tế, địa chỉ hoạt động hiện tại của Lavender by Chang là 61 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3; Cơ sở này đã sử dụng nhiều cụm từ như “nhất”, “duy nhất”, “số một” trong các nội dung quảng cáo mà không có tài liệu hợp pháp để chứng minh. Hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo trong lĩnh vực y tế.

Thanh tra Sở đã yêu cầu Lavender by Chang tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo vi phạm trên các nền tảng truyền thông, trong đó có website chính thức lavenderbychang.com.

Được biết người chịu trách nhiệm chuyên môn tại cơ sở Viện thẩm mỹ  Lavender by Chang là bác sĩ Trần Nhật Khang, được cấp chứng chỉ hành nghề số 008425/ĐL-CCHN, với danh mục được phê duyệt gồm 33 kỹ thuật chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ nội khoa.

aaa
Viện thẩm mỹ Lavender by Chang bị xử phạt. 

Đáng nói, nhiều năm qua Lavender by Chang liên tục bị xử phạt vì vi phạm quy định. Gần đây nhất vào năm 2024, cơ sở này bị phạt 57 triệu đồng vì hàng loạt lỗi như quảng cáo sai phạm, sử dụng người hành nghề chưa đăng ký và ghi sai tên khoa phòng so với giấy phép.

Trước đó, tháng 6/2023, cơ sở bị phạt 45 triệu đồng cũng vì quảng cáo không phép. Năm 2021 bị xử phạt 40 triệu đồng, năm 2019 bị phạt 30 triệu đồng và năm 2018 bị phạt 25 triệu đồng vì các hành vi tương tự.

Ngoài ra, trong đợt kiểm tra gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã ra quyết định xử phạt nhiều cá nhân và cơ sở khác do vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo.

Cụ thể, ông Tăng Phát Nhuần – chủ hộ kinh doanh tại số 24 Quốc lộ 22, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi – bị phạt 74 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng và tước chứng chỉ hành nghề 6 tháng.

Tại quận Bình Thạnh, bà Trần Bảo Ngọc – chủ hộ kinh doanh tại số 18 Nơ Trang Long – bị phạt 22 triệu đồng, buộc tháo dỡ quảng cáo chưa được xác nhận.

Phòng khám Nha khoa AB (143B-143C Khánh Hội, quận 4) bị xử phạt 12 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động trong 2 tháng.

Tại quận 10, bà Nguyễn Thị Hằng – chủ Phòng khám Y học cổ truyền An Việt (145 Trần Nhân Tôn) – bị phạt 19,5 triệu đồng, bị tước giấy phép hoạt động 3 tháng và chứng chỉ hành nghề 2 tháng.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Premium Therapy (số 6, đường số 8, khu đô thị The Peak Garden Villa, quận 7) cũng bị xử phạt 45 triệu đồng vì vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế.

Việc hàng loạt cơ sở bị xử phạt cho thấy công tác thanh kiểm tra đang được đẩy mạnh, song vẫn cần đi kèm với chế tài đủ sức răn đe để chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo trong lĩnh vực y tế, thẩm mỹ.

Điều kiện và yêu cầu đối với quảng cáo trong lĩnh vực Y tế

Theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo y tế phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Không được quảng cáo sản phẩm, dịch vụ cấm kinh doanh (ví dụ: thuốc cấm, thiết bị y tế chưa cấp phép). Nội dung quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về công dụng, chất lượng sản phẩm.

Không được sử dụng hình ảnh, uy tín của nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân, hoặc bài viết của bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm không phải thuốc. Không được quảng cáo trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, hoặc ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn xã hội. Nội dung quảng cáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện (thường là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế).

 Quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh

Điều kiện:  Có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp. Danh mục kỹ thuật chuyên môn đã được phê duyệt. Nếu pháp luật yêu cầu, người thực hiện dịch vụ phải có chứng chỉ hành nghề.

Nội dung: Phải phản ánh đúng năng lực, phạm vi hoạt động của cơ sở y tế, không được phóng đại hoặc đưa thông tin giả mạo.

Các hành vi bị cấm quảng cáo trong lĩnh vực Y tế  

Theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP, các hành vi sau bị nghiêm cấm: Quảng cáo sản phẩm, dịch vụ chưa được cấp phép lưu hành hoặc hết hiệu lực. Quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng (ví dụ: mỹ phẩm được quảng cáo như thuốc trị bệnh).

Sử dụng hình ảnh, uy tín của bác sĩ, nhân viên y tế, hoặc thư cảm ơn bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm không phải thuốc. Quảng cáo gây hiểu lầm rằng sản phẩm không phải thuốc có tác dụng chữa bệnh, trừ trang thiết bị y tế. Sử dụng kết quả nghiên cứu chưa được Bộ Y tế công nhận. Quảng cáo thiếu thông tin cảnh báo, chống chỉ định, hoặc không ghi số giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục