Thực hư quảng cáo lọc máu giúp loại bỏ mỡ máu, ngừa đột quỵ, gan nhiễm mỡ, tiểu đường?
Theo chuyên gia y tế, việc chỉ cần 2 - 3 giờ lọc máu với chi phí chưa đến chục triệu đồng phòng ngừa được đột quỵ, hết mỡ máu, tiểu đường là quảng cáo “nổ”.
Bác sĩ cảnh báo nhiều trường hợp suy thận nặng vì uống cỏ mực, viên trắng da
Vạch trần "chiêu lừa" lọc máu ngừa đột quỵ
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (chuyên gia tim mạch, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, gần đây ông thấy nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Nhiều cơ sở quảng cáo "nổ" rằng chỉ cần lọc máu không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu sẽ ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ... Thậm chí, khách hàng có thể sang Singapore hoặc Nhật Bản để thực hiện liệu trình này.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn điều trị của các hội chuyên ngành. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về việc lọc máu như một phương pháp dự phòng đột quỵ.

Thực tế, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự, chẳng hạn như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tuỵ cấp... Đây là phương pháp đã được chứng minh cứu sống nhiều bệnh nhân.
Trước những quảng cáo thổi phồng về khả năng của phương pháp lọc máu, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc: “Nếu chỉ cần 2 - 3 giờ với chi phí chưa đến chục triệu đồng mà phòng ngừa được đột quỵ, rồi hết cả mỡ máu, tiểu đường thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp”.
“Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể, hãy tự hỏi nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp dự phòng này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Do vậy, không nên mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo.
Sự thật từ các chuyên gia y tế
Trao đổi với báo chí, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, lọc máu là kỹ thuật chuyên sâu, sử dụng máy móc để lọc các chất thải và chất độc ra khỏi máu, bao gồm cả Cholesterol và Triglyceride dư thừa trong máu. Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy, tức là được chỉ định ở các trường hợp bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh và được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt.
Theo bác sĩ Lịch, hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lọc máu có thể ngăn ngừa đột quỵ một cách hiệu quả. Đột quỵ thường xảy ra do các mảng xơ vữa trong động mạch bị vỡ, gây tắc nghẽn mạch máu lên não. Việc lọc máu chỉ loại bỏ một phần mỡ trong máu, không thể giải quyết được vấn đề gốc rễ gây ra xơ vữa động mạch hoặc do cục máu đông.
Ngoài ra, nguyên nhân gây nên đột quỵ không chỉ từ vấn đề mỡ máu cao mà còn liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực.
Bác sĩ Lịch khuyến cáo, để ngăn ngừa đột quỵ cần phải có một lối sống lành mạnh và kết hợp điều trị các loại bệnh lý nền (nếu có). Nên khám tổng quát và làm xét nghiệm máu để đánh giá mức độ mỡ máu và các yếu tố nguy cơ khác có liên quan đến đột quỵ.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Thận- Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, lọc máu là một kỹ thuật “làm sạch máu” trong cơ thể nhằm mục đích điều trị những rối loạn bệnh lý mà không thể điều trị bằng các biện pháp thông thường như dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Mục đích của lọc máu là nhằm loại bỏ trực tiếp và nhanh chóng các độc tố, những thành phần dư thừa hoặc những tác nhân gây bệnh ra khỏi máu của người bệnh.
Theo bác sĩ Thanh, các kỹ thuật lọc máu được áp dụng để cấp cứu và điều trị các bệnh lý nặng theo đúng chỉ định của các bác sĩ có chuyên môn sâu chứ không được áp dụng cho những người bình thường không có bệnh lý hoặc áp dụng để phòng bệnh.
Mặt khác, lạm dụng lọc máu rất nguy hiểm, thậm chí có thể gặp những biến chứng đe dọa đến tính mạng của người bệnh do nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến lọc máu như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và nôn, tụt huyết áp, đau ngực, đau lưng, chuột rút, sốt, dị ứng dây quả lọc, sốc phản vệ, mất máu do chảy máu, rối loạn nhịp tim và ngừng tim, tắc mạch do khí đi vào hệ thống tuần hoàn, chảy máu do sử dụng thuốc chống đông, tai biến mạch máu não trong và sau lọc máu, nhiễm trùng đường vào mạch máu…
Do đó, kỹ thuật lọc máu nói chung và lọc mỡ máu nói riêng là những kỹ thuật điều trị chuyên sâu, cần có những thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế thực hiện phải có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, phải được thực hiện ở những bệnh viện lớn hoặc bệnh viện chuyên khoa có đơn vị thận nhân tạo và khoa hồi sức cấp cứu để đảm bảm an toàn cho người bệnh, chứ không nên thực hiện ở phòng khám đa khoa hay cơ sở y tế thông thường.
Theo quy định bắt buộc các cơ sở y tế muốn được triển khai các kỹ thuật lọc máu cần được kiểm tra, thẩm định và cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, chứ không được phép tự ý triển khai.
Cũng theo bác sĩ Thanh, hiện nay, ở Việt Nam chưa có hướng dẫn và chỉ định lọc máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ. Kỹ thuật lọc mỡ máu hiện tại chỉ được chỉ định và áp dụng cho những trường hợp viêm tụy cấp kèm theo một chỉ số mỡ máu là triglycerid tăng cao. Đối với những người bình thường, chỉ số mỡ máu tăng cao nhưng chưa có biểu hiện về mặt lâm sàng cũng không cần phải lọc máu.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh, lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo hay tư vấn của một số cơ sở y tế là không hợp lý và chưa có đủ căn cứ khoa học. Vì vậy, người dân cần thận trọng, không nên tin vào quảng cáo hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.