Tự “tung hô” điều trị tận gốc triệu chứng xoang, đơn vị bán viên sủi Oga max “cố tình” vi phạm quy định về quảng cáo?
Là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng trên các website và mạng xã hội, sản phẩm Viên sủi Oga max lại được công khai quảng cáo có công dụng “điều trị tận gốc”, “điều trị dứt điểm”, “ngăn ngừa”, “đánh bay”… như một loại thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Cấp phép một đằng, quảng cáo một nẻo
Tìm hiểu được biết, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi Oga max được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7102/2020/ĐKSP, được phép lưu hành trên thị trường từ ngày 31/07/2020. Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại T&A Việt Nam là đơn vị công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm (địa chỉ tại tầng 12, tòa nhà văn phòng Licogi 13, số 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).
![119038404_116664250168440](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adc4ecd5c7c.jpg)
Cùng đó, theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2541/2020/XNQC-ATTP, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi Oga max được Cục An toàn thực phẩm xác nhận quảng cáo với công dụng: “Hỗ trợ thông mũi, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm mũi, viêm xoang”.
![viensui](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adc4bf77a8a.png)
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế trên các nền tảng internet, hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi Oga max đang được quảng cáo “vẽ” công dụng như thuốc điều trị viêm xoang, viêm mũi mãn tính, có dấu hiệu hoạt động bất chấp quy định của pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, tại website: viensuiogamax.click, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi Oga max hiện được quảng cáo với hàng loạt khả năng điều trị bệnh như: “Vĩnh biệt viêm xoang, viêm mũi mãn tính”, “điều trị tận gốc triệu chứng xoang”, “đánh bay viêm xoang, viêm mũi mãn tính tận gốc”, “Oga max – khắc tinh viêm xoang”, “Oga max – sản phẩm Việt Nam, chất lượng quốc tế chuyên điều trị dứt điểm các triệu chứng của viêm mũi, viêm xoang”.
![oga15](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adcbc1436fe.png)
Hơn thế nữa, không biết dựa trên căn cứ nào các quảng cáo về sản phẩm Viên sủi Oga max được website trên tự tin khẳng định: “Đặc trị viêm xoang mãn tính kinh niên, lâu năm hiệu quả nhất hiện nay. Thoát khỏi viêm mũi cấp và mãn tính. Viêm mũi dị ứng, ngứa mũi, chảy nước, hắc hơi liên tục hết ngay sau 1 liệu trình. Tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tái phát vĩnh viễn”.
![oga6](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adc8dec967a.png)
Tiếp đến, sản phẩm Viên sủi Oga max còn được quảng cáo liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm, như: Hoạt chất saponin, chiết xuất rễ mướp, chiết xuất ké đầu ngựa, bromelain chiết xuất từ dứa. Các thành phần trên là thảo dược từ thiên nhiên, được áp dụng công nghệ Enzyme siêu hoạt hóa độc quyền từ Đức, hiệu quả gấp 300 lần… Sản phẩm này được cho rằng có đến 90% người dùng phản hồi tác dụng tích cực qua một thời gian sử dụng.
Tương tự, tại fanpage Facebook “Viên Sủi Oga Max - Điều Trị Dứt Điểm Viêm Xoang Mũi” có liên kết đến website: viensuiogamax.click cũng giới thiệu khẳng định: “Oga Max- Sản phẩm dùng công nghệ phytosome đầu tiên tại Việt Nam - Xoá sổ viêm xoang - viêm mũi lâu năm”.
![fb2](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adc9e3e84d3.png)
Cùng đó là hàng loạt bài viết tại fanpage để quảng cáo minh chứng cho hiệu quả điều trị bệnh của sản phẩm với những lời “có cánh” như: “Thông xoang tức thì - Giải pháp đánh bay viêm xoang, viêm mũi hàng đầu Việt Nam”, “điều trị tận gốc viêm xoang, viêm mũi dị ứng”, “Oga max khắc tinh viêm xoang, viêm mũi”…
![fb3.1](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adcccf4876c.png)
Đáng chú ý, dù chỉ được cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng trên tất cả các trang website, fanpage trên quảng cáo về sản phẩm Viên sủi Oga max lại không đăng khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo đúng quy định. Thậm chí, dù không phải là thuốc chữa bệnh nhưng tổ chức kinh doanh “vô tư” đưa ra cam kết hết viêm xoang, viêm mũi kể cả mãn tính chỉ từ sau 1 liệu trình sử dụng; hoặc "7 ngày hết dịch mủ, 14 ngày tiêu viêm, 21 ngày dứt xoang", hay “chỉ 2 viên/ngày nặng mấy cũng khỏi”.
![oga43](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67add0bce0d42.png)
Mặt khác, để tăng tính thuyết phục và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng vào sản phẩm Viên sủi Oga max, các website, fanpage nêu trên còn đăng tải nhiều video, hình ảnh, chia sẻ của các chuyên gia, nghệ sĩ, lời cảm ơn của người tiêu dùng cùng cam kết điều trị hiệu quả… để khẳng định công dụng, tác dụng tức thời của sản phẩm. Những lời quảng cáo như vậy không chỉ khiến người xem bị cuốn hút mà còn tạo cảm giác tin tưởng vào sản phẩm như một phương pháp điều trị viêm xoang, viêm mũi mãn tính nhanh chóng và toàn diện.
![oga28](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/13/67adce8720e65.png)
Đơn cử như lời quảng cáo: Bác Vương Quang Khải bị viêm xoang mãn tính 15 năm đỡ 80% sau 2 tuần sử dụng Ogamax; cô Vũ Thu Thảo đã chữa dứt điểm viêm xoang sau 2 tháng nhờ sản phẩm Ogamax... Hình ảnh của Đại tá, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Phạm Hòa Lan (nguyên Chủ nhiệm Khoa nghiên cứu thuốc và trang thiết bị Cục Quân y – Bộ Quốc Phòng) cũng được gắn ghép trên website để quảng cáo sản phẩm Viên sủi Oga max trái quy định pháp luật…
Ai hưởng lợi từ việc quảng cáo “thuốc hóa”?
Trao đổi với báo chí, Luật sư Ngô Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, chiếu theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nêu rõ: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Có thể thấy, sản phẩm Viên sủi Oga max đang sử dụng hình ảnh của bác sĩ, lời cảm ơn của người tiêu dùng là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Luật sư Ngô Trọng Nghĩa phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Tiếp đó, hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng theo quy định.
Đề nghị Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra và làm rõ những thông tin quảng cáo về sản phẩm Viên sủi Oga max còn tồn tại trên những website để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tại tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức vào cuối tháng 5/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện đã có Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn về quảng cáo trong lĩnh vực y tế, bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tất cả nội dung quảng cáo đều phải được cơ quan quản lý thẩm định, cấp phép và chỉ quảng cáo đúng với nội dung đã được thẩm định.
Ông Phong cũng cho hay: “Bức xúc nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng. Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng thường có quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng điều trị như “trị dứt điểm”, “chữa khỏi bệnh”, “chấm dứt bệnh”… Đây là nội dung không bao giờ được cơ quan quản lý cấp phép thẩm định”.
“Người dùng cần biết, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không chữa, không có tác dụng điều trị… Nếu quảng cáo như vậy là hành vi gian dối. Nguy hại của quảng cáo gian dối trong y tế như với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe người dùng”, ông Phong nhấn mạnh.
- Đủ chiêu trò quảng cáo 'nổ' công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Phế An Plus, người tiêu dùng cần cảnh giác
- Phớt lờ cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Tâm Đường vẫn tái diễn vi phạm quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna quảng cáo sai sự thật, 'nổ' công dụng như thuốc chữa bệnh
-
Sản phẩm Cao Vị Hen quảng cáo “đánh tiệt nọc hen suyễn, viêm phế quản”, dấu hiệu thổi phồng công dụng, doanh nghiệp công bố sản phẩm nói gì?
-
'Mê hồn trận' quảng cáo sữa hạt Mộc Nhất 'nổ' công dụng như thuốc đặc trị bệnh tiểu đường, cơ quan chức năng cần làm rõ
-
Sau Tết, hoa lê rừng Tây Bắc đổ bộ xuống phố, giá bán lên tới cả triệu đồng vẫn hút khách