Giá thuốc Tamiflu điều trị cúm "nhảy múa", chuyên gia khuyến cáo gì?
Số ca mắc cúm A gia tăng thời gian gần đây khiến thị trường thuốc Tamiflu - thuốc kháng vi rút có tác dụng điều trị cúm A - cũng “nhảy múa”, giá thuốc Tamiflu có tăng so với thời điểm trước đó.
Dịch cúm A lan rộng, giá thuốc Tamiflu tăng chóng mặt vẫn cháy hàng
Loạn giá thuốc Tamiflu
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus có xu hướng gia tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 1/2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp (6%) so với cùng kỳ năm 2024. Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm tại 30/30 quận huyện thị xã, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5.
Lo ngại dịch cúm bùng phát, không ít người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A về dự phòng. Vì thế, nhiều nhà thuốc đã đẩy giá, dẫn đến loạn giá thuốc Tamiflu.

Ghi nhận tại website “Tra cứu giá thuốc” của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), giá thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên giá bán được công khai là 44.877 đồng/viên (tương đương gần 450.000 đồng/hộp).
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tiếp thị và Gia đình, tại Hà Nội, giá thuốc Tamiflu ở các nhà thuốc không đồng nhất, có sự chênh lệch giá giữa các điểm bán. Một hộp Tamiflu có thể được bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với mức giá quy định. Đáng chú ý, mặc dù Tamiflu là thuốc kháng vi rút chỉ được bán khi có chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên một số cửa hàng thuốc vẫn bán dù không có đơn thuốc.
Cụ thể, nhà thuốc 24h Pharmacy (ngõ 2 đại lộ Thăng Long, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho hay, những ngày gần đây có nhiều người đến hỏi mua thuốc Tamiflu để trị cúm. "Nhà em bán 1 viên Tamiflu giá 55.000 đồng/viên, thuốc nhập từ Nga, giá mềm hơn nhiều rồi đấy anh, còn thuốc của Pháp thì đắt hơn, từ 60.000 – 70.000 đồng/viên”, nhân viên nhà thuốc này chia sẻ.
Cách đó không xa, nhân viên nhà thuốc H.A (ngõ 116 Miếu Đầm, phường Mễ Trì) cho biết, ở đây chỉ bán thuốc Tamiflu là hàng công ty (hàng của Pháp) được bán với giá 60.000 đồng/viên, tức 600.000 đồng hộp/10 viên. Tương tự, nhà thuốc A.T (chung cư Bộ Công an, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) chào bán thuốc Tamiflu với giá 68.000 đồng/viên.
Ngoài ra, khảo sát tại website hệ thống nhà thuốc Pharmacity (thuộc Công ty CP Dược phẩm Pharmacity), thuốc Tamiflu 75mg (hộp 1 vỉ x 10 viên nang) có giá bán là 690.000 đồng/hộp…
Chị Lê Thị Lan (quận Nam Từ Liêm) cho biết, thấy thông tin dịch cúm gia đình cũng lo lắng nên muốn mua một hộp dự phòng. Tuy nhiên, chị hỏi 2 nhà thuốc đều được báo giá 700.000 đồng/hộp. "Giá thuốc Tamiflu hiện cao quá, trước Tết Nguyên đán tôi tham khảo còn chưa đến 500.000 đồng/hộp)" - chị Lan chia sẻ.
Không tự ý dùng Tamiflu
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị bệnh cúm cũng như có chỉ định sử dụng thuốc Tamiflu đối với những bệnh nhân có biến chứng nặng, suy hô hấp nặng hoặc trên những bệnh nhân có nguy cơ như người già, trẻ em, người có thai, người có bệnh nền…
Do đó, Tamiflu là thuốc kháng virus phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi. Người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu, nếu dùng không theo chỉ định, liều lượng và có sự theo dõi của bác sĩ, người bệnh có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
Thuốc Tamiflu tương đối lành, không gây nguy hiểm cho gan, thận ngay lập tức, tuy nhiên Tamiflu là thuốc điều trị có chỉ định của bác sĩ, đây cũng là thuốc điều trị theo liều tỷ lệ với trọng lượng cơ thể và tuổi của người bệnh. Người lớn, trẻ nhỏ phải dùng khác nhau về liều lượng cũng như thời điểm người bệnh cần sử dụng Tamiflu khác nhau. Nếu dùng tràn lan rất dễ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, nếu bệnh nhân mắc lại bệnh, sẽ không có thuốc thay thế để sử dụng.
Hiện nay, thuốc Tamiflu vẫn có sẵn ở các bệnh viện, chưa có hiện tượng khan hiếm hay khó tiếp cận thuốc này. Chính vì thế, người dân không nên quá hoang mang. Nếu có dấu hiệu của bệnh cúm thì nên đi xét nghiệm cúm. Khi đó tuỳ trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị. Vì vậy, người dân không nhất thiết phải tự mua và uống dự phòng Tamiflu, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu bởi 80 - 90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi. Vì vậy, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là "thần dược" trong điều trị cúm.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Cùng với đó, người dân nên tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Xử lý nghiêm hành vi “thổi” giá, bán thuốc điều trị cúm A không có đơn của bác sĩ
Để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị, trong đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết,...), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế, cần chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị; thực hiện đúng các quy định về mua, bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm mùa, trong đó có các thuốc điều trị cúm A chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả; đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.