Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 13/10/2023, 06:15 (GMT+7)

Thừa Thiên - Huế: Bị cấm nhưng chim trời vẫn được rao bán công khai trên phố và mạng xã hội

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong khi lực lương chức năng đang tăng cường xử lý nạn săn bắt chim trời thì tại các tuyến phố và trên mạng xã hội, chim trời đang được bày bán, rao bán công khai.

Chim trời rao bán công khai

Thời gian qua, người dân ở nhiều địa phương của Thừa Thiên – Huế liên tục phản ánh về nạn săn bắt chim trời. Theo Thanh Niên, không chỉ dừng lại ở việc săn bắt mà công đoạn tiêu thụ sản phẩm cũng rất đáng lo ngại.

Đầu tháng 10, khi các cánh đồng ở huyện Phú Lộc vừa gặt xong, nhiều loại chim từ rừng Quốc gia Bạch Mã, phá Tam Giang… đã kéo về trú ngụ và đây cũng là thời điểm nạn săn bắt chim trời diễn ra. Trước tình trạng này, lực lượng chức năng huyện Phú Lộc đã phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy hàng ngàn chiếc bẫy có hình thù chim cò giả, lưới giăng, cành tre dính keo…

rao bán chim trời
Chim trời được rao bán công khai trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Thanh Niên

Tại thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Điền (huyện Phú Lộc) cũng được xem là điểm nóng của nạn săn bắt cò, vạc, triết… Dù lực lượng công an đã vào cuộc ráo riết kiểm tra và xử lý nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Chim trời sau khi bị bắt sẽ được làm thịt rồi bán cho thương lái. Thương lái thu mua sẽ bỏ mối cho những người dân có nhu cầu hoặc các nhà hàng.

Một vị khách thường xuyên mua chim trời ở huyện Phú Lộc cho biết hiện nay việc mua bán đã thận trọng hơn vì sợ cơ quan chức năng xử lý. Nhưng nếu là “mối” quen thì vẫn có thể đến tận nhà lấy. Ngoài ra thương lái sẽ rao bán trên mạng xã hội với giá từ 45.000 đến 50.000 đồng/con chim trời.

Ngày 6/10 vừa qua, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên T.N (trú tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) đăng bài viết rao bán cò với hình ảnh những con cò đã làm sạch lông kèm dòng trạng thái “Lên đơn sớm để chiều em ship nhé”. Người này gọi cò, vạc là “em chân dài” và có nhiều bài viết với nội dung rao bán chim trời. Thậm chí có những bài đăng, người này chốt đơn tới 40 con.

rao bán chim trời 1
Việc mua bán chim trời diễn ra công khai giữa phố ở TP.Huế, hình ảnh ghi nhận vào chiều 7.10. Ảnh: Lê Hoài Nhân

Cũng theo Thanh Niên, chiều 7/10, trên lề đường Bùi Thị Xuân (gần cầu Dã Viên, TP. Huế) xuất hiện một người phụ nữ bày bán hàng chục con chim trời, thu hút nhiều người dừng lại mua hàng. Người phụ nữ quảng cáo chim này là triết bạc và triết mun, đảm bảo ăn là nghiền, giá mỗi con từ 120.000 – 140.000 đồng.

Khi được dò hỏi về nguồn gốc số chim này, người bán hàng cho biết thu gom từ những người đi bẫy rồi mang lên TP. Huế bán. Người này khẳng định đây hoàn toàn là hàng tự nhiên. Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, người phụ nữ đã bán được hàng chục con rồi nhanh chóng rời đi. Khách mua hàng chủ yếu là những người tò mò chưa ăn lần nào hoặc khách quen mua về làm mồi nhậu.

Nạn săn bắt chim trời đang ngày càng diễn biến phức tạp, nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của người dân và các nhà hàng. Điều này đã khiến cho chim trời đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Cơ quan chức năng khó xử lý

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thời gian qua đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, công an các xã tuần tra, truy quét và xử lý hàng loạt vụ bẫy chim trời. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ xử phạt được những trường hợp bắt quả tang tại chỗ với mức phạt vài triệu đồng. Còn lại chỉ tháo gỡ, tiêu hủy bẫy chim.

săn bắt chim trời
Hàng trăm con chim giả làm bẫy, đặt trên cánh đồng tại huyện Phú Lộc. Ảnh: Bình Thiên

Về việc người dân công khai rao bán chim trời trên các tuyến đường, khu chợ và nền tảng mạng xã hội, ông Tuấn cho hay công tác xử lý vẫn gặp những khó khăn bởi lực lượng kiểm lâm không thể tuần tra hết các tuyến đường, khu chợ. Thêm vào đó những đối tượng này không bán ở địa điểm cố định, thường xuyên di chuyển.

Theo quy định, những trường hợp mua bán chim trời nếu bị cơ quan chức phát phát hiện, bắt quả tang sẽ bị xử phạt từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng.

Ông Tuần nói thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị tuần tra, xử lý quyết liệt hơn, mạnh tay hơn tại các khu vực đặt bẫy. Biện pháp xử phạt sẽ được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể với những mức khác nhau. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc không săn bắt, đặt bẫy, tiêu thụ chim trời và các động vật hoang dã. Ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn người dân địa phương khi phát hiện việc săn bắt, mua bán chim trời... cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng chức năng gần nhất để vào cuộc xử lý. 

Cùng chuyên mục