Thủ đoạn vận chuyển lâm sản hơn 1,5 tấn gỗ cẩm lai thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm hòng qua mặt cơ quan chức năng tại Quảng Bình bị phát hiện thế nào?
Tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện 1.569kg gỗ cẩm lai thuộc danh mục nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không có hồ sơ hợp pháp và nhiều hàng hóa gồm máy móc các loại đã qua sử dụng, sản xuất tại nước ngoài nghi nhập lậu.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trước đó, vào tối 22/10, Đội QLTT số 7 thuộc Cục QLTT Quảng Bình chủ trì, phối hợp với lực lượng tuần tra kiểm soát thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình tuần tra, kiểm soát trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 34C-299.96 do ông Dương Quốc Quân (thôn Phúc Bố, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) điều khiển đang lưu thông theo hướng từ Nam ra Bắc.
Đến ngày 24/10, tiến hành kiểm tra phương tiện, Đội QLTT số 7 phát hiện trên xe có vận chuyển lô hàng hóa là máy móc đã qua sử dụng gồm 14 bộ phay xới đất, 1 chiếc xe nâng sản xuất tại nước ngoài (trị giá lô máy móc là 80,8 triệu đồng). Toàn bộ số hàng hóa nói trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, bị coi là hàng hóa nhập lậu theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, tiếp tục kiểm tra trong khoang chứa của phương tiện, Đội QLTT số 7 phát hiện thêm một số gốc, rễ cây được cất giấu kín đáo dưới các bao tải hàng. Sau khi phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 7 đã xác định được số gỗ trên có chủng loại là gỗ cẩm lai, thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIA), có tổng khối lượng 1.569kg, tương đương 1,569m3 gỗ quy gỗ tròn.
Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe không cung cấp được hồ sơ lâm sản đối với số gỗ cẩm lai nói trên, có dấu hiệu hành vi vi phạm vận chuyển lâm sản không có hồ sơ hợp pháp.
Đội QLTT số 7 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, chuyển giao tang vật là 1.569kg gỗ cẩm lai, tương đương 1,569m3 gỗ quy gỗ tròn và xe ô tô tải vi phạm cho Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình để xử lý theo quy định. Đồng thời, lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe về hành vi vi phạm cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu, tạm giữ tang vật lô máy móc vi phạm nêu trên.
Vận chuyển lâm sản thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm bị xử phạt ra sao?
Tại Điều 22 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a, điểm đ, khoản 13, Điều 1 Nghị định số 07/2022/NĐ-CP) quy định về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì hành vi vận chuyển lâm sản (trường hợp vận chuyển lâm sản bằng phương tiện thì xác định hành vi vi phạm từ thời điểm lâm sản đã được xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó sẽ bị xử phạt tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Đơn cử, phạt tiền từ 25 – 50 triệu đồng đối với một trong các trường hợp sau: Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 25 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 15 triệu đồng đến dưới 25 triệu đồng; sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 1 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng;
Gỗ thuộc loài thông thường từ 05m3 đến dưới 08m3; gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA từ 2,5m3 đến dưới 04m3; gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 0,4m3 đến dưới 0,6m3; thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 25 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; sản phẩm chế biến từ gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp trị giá từ 25 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
Ngoài ra, trong trường hợp số gỗ quý hiếm thuộc nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA có khối lượng từ 07m3 đến dưới 8,5m3 thì mức phạt cho hành vi vận chuyển gỗ trái phép này là từ 90 – 120 triệu đồng. Vận chuyển gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA có khối lượng từ 8,5m3 đến dưới 10m3 sẽ bị xử phạt từ 120 – 150 triệu đồng…
Chủ sở hữu phương tiện nếu cố ý cho người điều khiển phương tiện sử dụng phương tiện vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì bị xử phạt theo quy định nêu trên.
Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.
- Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản
- Tràn lan hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, chế tài kiểm soát thế nào?
- Lượng lớn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tuồn vào TPHCM
- Dược mỹ phẩm Khang Linh rầm rộ quảng cáo thực phẩm chức năng có khả năng phòng ngừa, giảm tái phát ung thư
- Bị thu hồi do mỹ phẩm kém chất lượng, sản phẩm của Vương Kim Long vẫn tiếp tục được bán trên các sàn thương mại điện tử
- Sữa Emilax Sure được quảng cáo như “thần dược” bổ não, trẻ hoá não bộ, người tiêu dùng hãy cẩn trọng