Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 30/06/2024, 08:12 (GMT+7)

Lập sàn thương mại điện tử không thông báo với cơ quan có thẩm quyền, xử lý thế nào?

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công thương), gây khó khăn cho quá trình quản lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Liên tiếp phát hiện sai phạm

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận vừa xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với 01 doanh nghiệp và 01 cá nhân trên địa bàn tỉnh với hành vi vi phạm không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, theo Tổng cục Quản lý thị trường. 

Quan thẩm tra, xác minh và công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phan Rang- Tháp Chàm có website thương mại điện tử https://dienlanhninhthuan.com/. Kết quả kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp có website thương mại điện tử bán hàng https://dienlanhninhthuan.com/ có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng không thực hiện thông báo với Bộ Công Thương theo quy định. Với hành vi vi phạm nói trên, doanh nghiệp bị xử phạt hành chính 30.000.000 đồng. 

Tương tự, Đội QLTT số 4 cũng phát hiện và xử phạt bà V.T.N.T là người quản lý, sử dụng website https://myphamphanrang.com/ để phục vụ hoạt động kinh doanh hàng hóa nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức phạt hành chính đối với bà V.T.N.T là 10.000.000 đồng.

.
.
(Ảnh: Tổng Cục Quản lý thị trường)

Trước đó, ngày 27/6, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 cơ sở kinh doanh phân bón, điện máy, thiết bị camera, thực phẩm, với tổng số tiền 133,5 triệu đồng vì hành vi: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác trên Website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu Website; không thông tin về số giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trên Website theo quy định của pháp luật; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. 

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường theo dõi trên môi trường thương mại điện tử, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, giả, xâm phạm quyền, kém chất lượng v.v., qua Zalo, Facebook, Tiktok, Website thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Mạnh tay xử lý theo quy định

Tại Việt Nam, các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày một phát triển lớn mạnh và là địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người tiêu dùng với nhiều độ tuổi khác nhau. Bên cạnh những mặt tích cực mà giao dịch thương mại điện tử đem đến cho người tiêu dùng thì việc mua sắm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử đem đến không ít những rắc rối và phiền toái cho người tiêu dùng. Việc quảng cáo, mô tả sản phẩm không đúng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là chuyện hiếm gặp hay tình trạng người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi khi mua phải hàng giả, hàng nhái, thậm chí là bị lừa gạt trên các nền tảng giao dịch thương mại điện tử cũng còn tồn tại. 

Theo luật sư Nguyễn Thị Yến - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, để quản lý hoạt động mua bán trên sàn thương mại cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, pháp luật Việt Nam quy định, các cá nhân, tổ chức khi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công Thương).

Việc tuân thủ quy định không chỉ giúp tránh khỏi mức phạt cao mà còn giúp cơ sở kinh doanh tạo dựng được uy tín, minh bạch và lòng tin từ phía khách hàng. Đồng thời, việc thông báo cũng là phương thức để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát và giám sát hoạt động thương mại điện tử một cách hiệu quả, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong môi trường kinh doanh trực tuyến. Do đó, việc thông báo website thương mại điện tử bán hàng một cách chính xác là một phần quan trọng của quy trình kinh doanh trực tuyến và cần được thực hiện đầy đủ và kỹ lưỡng.

Cũng theo luật sư, cần mạnh tay xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định này khi thiết lập website thương mại điện tử. Với hành vi không đăng ký website với Bộ Công thương, mức phạt tối đa đối với cá nhân có thể lên tới 30.000.000 đồng đối và với tổ chức là 60.000.000 đồng. Cụ thể, điểm a, khoản 4, điều 62, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Cùng chuyên mục