Thứ tư, 19/06/2024, 14:10 (GMT+7)

Thêm nhiều hình thức vi phạm mới trong lĩnh vực kinh doanh trên thương mại điện tử

Nếu như trước đây, vấn đề đáng lo ngại nhất với kinh doanh trên thương mại điện tử là vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng thì hiện nay, các các hình thức vi phạm mới cũng gây nhức nhối với cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường các địa phương liên tục phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh trên thương mại điện tử. Đáng chú ý, không còn chỉ bán hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, các hành vi trên môi trường thương mại điện tử còn có nhiều hình thức mới. 

Bà Phạm Thị Minh Phương - Tổ trưởng Tổ Thương mại điện tử (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, các hành vi vi phạm mà tổ đã phát hiện, xử lý trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chủ yếu là nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; Cung cấp thông tin kinh doanh hàng giả trên môi trường Internet; Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Cũng theo bà Phương, các vi phạm nêu trên cũng gây nhức nhối không kém gì vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Bởi lẽ, người tiêu dùng khi mua hàng trên các website bán hàng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận sẽ dễ gặp rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, theo An ninh Thủ đô. 

Thumb (98)
Nhiều trang thương mại điện tử bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. (Ảnh: M.H)

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng chức năng các địa phương liên tiếp khám phá, xử lý các vụ vi phạm liên quan đến hàng giả mạo nhãn hiệu trên thương mại điện tử, bao gồm quần áo, túi xách, giày dép, vàng bạc...

Mới đây nhất là vụ việc ngày 11/6/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và xử phạt Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ kỹ thuật Hoàng Phát (Đường Nguyễn Khả Trạc, phường Đức Ninh Đông, Đồng Hới, Quảng Bình) vì không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Tổng số tiền xử phạt là 30.000.000 đồng.

Theo báo cáo, đơn vị này đang kinh doanh hàng hóa là máy điều hòa không khí các loại trên website thương mại điện tử bán hàng https://hoangphathtb.com/ do ông Lê Văn Hoàng làm Chủ tịch công ty kiêm Giám đốc là chủ sở hữu website thương mại điện tử. 

Ở vụ việc khác, Đội Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cũng đã kiểm tra và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 tổ chức và 01 hộ kinh doanh với tổng số tiền 175 triệu đồng do đã có các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử. 

Các hành vi vi phạm hành chính chủ yếu như không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng đối với website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Cuối tháng 5/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cũng đã thực hiện kiểm tra xử lý 05 vụ việc (06 website) với hành vi “không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng” với tổng số tiền xử phạt 105 triệu đồng.

Trước thực trạng nhức nhối nói trên, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Bằng việc phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên tham gia trên không gian mạng, tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng sẽ được hạn chế, đặc biệt là đối với các giao dịch chủ yếu thực hiện trên sàn. 

Cùng chuyên mục