Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 27/05/2024, 06:00 (GMT+7)

Sập bẫy lừa đảo sàn thương mại điện tử giả mạo, cơ quan chức năng khuyến cáo gì?

Giả mạo hình ảnh thương hiệu, website… của một số sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh để chiếm đoạt tài sản của người dân. Thủ đoạn này ngày càng phức tạp, tinh vi.

“Sập bẫy” với chiêu trò “bình mới rượu cũ”

Theo Cổng thông tin điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.

Sau đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3 - 4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua.

Do đó, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Cùng đó, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm nhằm “mồi” khách. Kèm theo đó là “đặt hàng” nhiều lượt đánh giá ảo với những đánh giá “khen hết lời” nhằm dụ người tiêu dùng "chốt" đơn.

Gần đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc và bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử, vừa qua, ngày 11/5, Công an tỉnh Cao Bằng đã tạm giữ khẩn cấp Nguyễn Thị Tuyết Dâng (sinh năm 1990, trú tại tổ 11, phường Đề Thám, TP Cao Bằng) cùng 12 đối tượng có hành vi giả danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo; đồng thời, phối hợp Công an tỉnh Thái Nguyên tạm giữ thêm 14 đối tượng cũng có hành vi lừa đảo như ở Cao Bằng. Cơ quan điều tra đã thu giữ 34 máy tính xách tay cùng nhiều đồ vật tài liệu có liên quan, theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Cao Bằng.

luadao
Cơ quan Công an thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của Nguyễn Thị Tuyết Dâng. Ảnh: Công an tỉnh Cao Bằng.

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng này là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee tri ân khách hàng bằng cách gọi điện mời khách hàng kết bạn Zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, sau đó lừa để chiếm đoạt tiền. Cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Thị Tuyết Dâng điều hành cả hai nhóm lừa đảo (một nhóm ở tỉnh Cao Bằng và một nhóm tại tỉnh Thái Nguyên).

Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Tuyết Dâng khai nhận, mỗi ngày các đối tượng gọi trung bình khoảng 1.500 - 2.000 cuộc điện thoại cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để thực hiện hành vi lừa đảo. Bước đầu, Công an tỉnh Cao Bằng xác định các đối tượng có hành vi sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông để trục lợi và có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp nhận được tin báo của người dân về việc bị lừa đảo qua thủ đoạn giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn, với số tiền thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo sàn thương mại điện tử, thương hiệu lớn như Điện Máy Xanh, Lazada, Shopee... Sau đó, các đối tượng chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân với những nội dung hấp dẫn như: gửi tin nhắn để được tặng quà miễn phí, tuyển cộng tác viên đánh giá sản phẩm để kiếm tiền, làm việc online tại nhà... Để tạo niềm tin, nhóm lừa đảo trên mạng còn giả mạo công văn của cơ quan Nhà nước cho tổ chức sự kiện tri ân khách hàng. Từ đó dẫn dụ nạn nhân gửi tin nhắn để nhận quà miễn phí.

Khi có người tham gia, các nhóm lừa đảo yêu cầu tải ứng dụng, đưa vào nhóm Telegram. Tại đây, có 4 - 5 người đóng vai thành viên nhóm, nhận nhiệm vụ từ trưởng nhóm để tạo đơn hàng, chuyển khoản thành công và gửi cho chủ nhóm, sau đó nhận tiền gốc, hoa hồng và rút được tiền về tài khoản của mình. Thông tin chuyển khoản với tên chủ tài khoản khiến nạn nhân rất khó nhận diện như: "Điện Máy Xanh", "ĐMX", "CTY TNHH TMCP DTPT DIEN MAY XANH"..., tất cả giao dịch đều được chụp màn hình điện thoại để tạo niềm tin về việc kiếm tiền online dễ dàng.

Nhóm lừa đảo giao "con mồi" chốt đơn hàng giá trị thấp, ngay lập tức nạn nhân nhận tiền gốc và hoa hồng. Khi nạn nhân thực hiện những giao dịch lớn vài chục đến cả trăm triệu thì tiền không về với nhiều lý do. Khi hết sạch tiền, nhóm lừa đảo cắt đứt liên lạc.

Chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký

Trước thực tế trên, theo khuyến cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, người dân tuyệt đối không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu. Cùng đó, không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… khi không quen biết; không truy cập, đăng nhập, tải các website, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Theo đó, các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chuyên gia Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người tiêu dùng trước hết phải nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu tham gia các chương trình, hội nhóm từ các cuộc gọi có nguồn gốc không rõ ràng như thông báo trúng thưởng, tặng quà khách hàng để lấy thông tin cá nhân của khách hàng; lừa đảo qua điện thoại, giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên bảo hành của các siêu thị điện máy để bán dịch vụ bảo hành mở rộng giả hoặc sửa chữa sản phẩm, thay thế linh phụ kiện chất lượng thấp với giá cao;

Tương tự, giả danh làm nhân viên tuyển dụng của các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy tuyển nhân viên làm việc online tại nhà, yêu cầu người dùng nạp tiền vào hệ thống để hưởng hoa hồng lừa đảo ứng viên; giả mạo các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy đưa ra chương trình bình chọn để nhận tiền thưởng, đồng thời dẫn dụ khách hàng chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tiền.

VNCERT/CC cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Trong trường hợp thấy nghi ngờ, người dùng cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.

Mặt khác, người dân cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp đấu tranh, ngăn chặn.

Cùng chuyên mục