Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 24/05/2024, 08:39 (GMT+7)

Thực phẩm bổ sung Sure Asia Gold, sữa non tổ yến Neslac cùng loạt sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử?

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị Công ty TNHH Nuôi dưỡng lòng biết ơn quốc tế Asia kiểm tra, rà soát các sản phẩm thực phẩm bổ sung nêu trên tại website và ứng dụng thương mại điện tử, gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm...

Đó là yêu cầu được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra sau phản ánh các sản phẩm thực phẩm bổ sung này có dấu hiệu vi phạm trên thương mại điện tử từ cơ quan công an, theo Cổng thông tin điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Đáng lưu ý, mặc dù không cung cấp chi tiết các dấu hiệu vi phạm, nhưng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các công ty kinh doanh các sản phẩm này phải rà soát, gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả xử lý về Cục. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, yêu cầu này nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

sua-ensure-asia
Các sản phẩm bị dừng kinh doanh trên các trang thương mại điện tử đều là thực phẩm bổ sung. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Cụ thể, danh sách các sản phẩm thực phẩm gồm: Thực phẩm bổ sung Sure Asia Gold loại 900g/hộp, sản xuất ngày 23/3/2023; thực phẩm bổ sung GluAsia loại 900g/hộp, sản xuất ngày 8/3/2023; thực phẩm bổ sung GluAsia loại 400g/hộp, sản xuất ngày 7/2/2023; thực phẩm bổ sung Asia Curcumin loại 900g/hộp, sản xuất ngày 13/8/2022.

Cùng đó, trong danh sách còn có thực phẩm bổ sung sữa non tổ yến Neslac loại 400g/hộp, sản xuất ngày 2/12/2022; thực phẩm bổ sung Optimilk caxi Nano Care loại 900 g/hộp, sản xuất ngày 5/1/2023; thực phẩm bổ sung ColosBens Growiq loại 900g/hộp, sản xuất ngày 13/12/2022, do Công ty TNHH Nuôi dưỡng lòng biết ơn quốc tế Asia (địa chỉ tại thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) sản xuất.

Thực phẩm bổ sung được quy định công bố ra sao?

Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010, Thông tư số 43/2014/TT-BYT, và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm chức năng bao gồm các loại: Thực phẩm bổ sung; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT cũng quy định, thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

Về quy định đăng ký công bố sản phẩm, tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định. 

Bên cạnh đó, căn cứ Thông tư 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, trong đó có sửa đổi quy định về yêu cầu đối với nội dung công bố của thực phẩm bổ sung. Theo đó, kể từ ngày 9/11/2023, nội dung công bố đối với thực phẩm bổ sung phải đảm bảo các yêu cầu gồm:

Trước hết, về công bố hàm lượng chất dinh dưỡng (Nutrient content claims): Khi bổ sung các vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác vào thực phẩm, việc công bố hàm lượng các chất đó có trong thực phẩm tính theo lượng dùng khuyến cáo hằng ngày cho người Việt Nam (RNI) được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT.

Trong đó, khi hàm lượng chất dưới 10% RNI hoặc dưới 10% lượng sử dụng của thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học (đối với chất chưa có RNI) thì không được ghi công bố về chất đó. Khi hàm lượng chất đạt tối thiểu 10% RNI hoặc đạt tối thiểu 10% lượng sử dụng của thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học (đối với chất chưa có RNI) thì công bố cụ thể tên, hàm lượng của các chất đó cho mỗi khẩu phần ăn hoặc trên 100g sản phẩm;

Song song đó, hàm lượng tối đa của vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm tính theo liều khuyên dùng hằng ngày của nhà sản xuất không được vượt quá ngưỡng dung nạp tối đa của các vitamin và khoáng chất được quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT.

Trong trường hợp Việt Nam chưa có mức RNI và ngưỡng dung nạp tối đa thì áp dụng theo quy định của CODEX hoặc các tổ chức quốc tế có liên quan.

Tiếp đó, công bố khuyến cáo về sức khỏe (Health claims): Các khuyến cáo về sức khỏe đối với các chất bổ sung chỉ được công bố khi hàm lượng chất đó có trong thực phẩm đạt tối thiểu 10% RNI và có bằng chứng khoa học cụ thể để chứng minh.

Đối với các thành phần bổ sung chưa có mức RNI theo quy định, chỉ được công bố khuyến cáo về sức khoẻ của thành phần đó trên nhãn sản phẩm khi hàm lượng của các thành phần này đạt tối thiểu 10% lượng sử dụng của thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học. Các khuyến cáo sức khỏe phải được ghi rõ ràng và thống nhất, phù hợp với bằng chứng khoa học chứng minh.

Trường hợp nào quy định thực phẩm bổ sung phải được thu hồi?

Theo Điều 9 Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định thực phẩm chức năng cụ thể là thực phẩm bổ sung cần đảm bảo thực hiện theo các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm như sau: Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 6 Thông tư này, nhãn thực phẩm bổ sung phải đáp ứng các quy định gồm: Phải ghi cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm: “Thực phẩm bổ sung” hoặc tên nhóm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên phần chính của nhãn. Phải chỉ rõ đối tượng cụ thể, phù hợp với mức đáp ứng của liều khuyên dùng đã công bố hoặc phù hợp với bằng chứng khoa học đã được chứng minh về liều dùng khuyến cáo với những thành phần chưa có quy định mức đáp ứng.

Trong khi đó, tại Điều 16 Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định thực phẩm bổ sung phải được thu hồi trong các trường hợp sau đây: Quá thời hạn sử dụng; Không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế; Thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp với nội dung đã được xác nhận bởi cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc không phù hợp với nội dung Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật;

Ngoài ra, thực phẩm bổ sung phải được thu hồi khi lưu thông trên thị trường mà chưa có chứng nhận hợp quy hoặc xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Khi cơ quan thẩm quyền các nước hoặc tổ chức quốc tế cảnh báo và được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định về tính không an toàn của sản phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có trách nhiệm thu hồi và báo cáo với Cục An toàn thực phẩm.

Căn cứ tại Điều 21 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm quy định, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Cùng với mức phạt tiền, doanh nghiệp không đăng ký công bố sản phẩm cũng sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 1 - 3 tháng. Đồng thời doanh nghiệp còn bị buộc thu hồi thực phẩm và buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với sản phẩm vi phạm.

Cùng chuyên mục