Thứ năm, 11/04/2024, 09:03 (GMT+7)

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus "nổ" công dụng

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus, Sâm Plus S'body Green quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, “thổi phồng” công dụng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus, Sâm Plus S’body Green vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo trên một số website, theo Thương trường.

van-xuan-1
Sản phẩm Vạn Xuân Tố Nữ Plus, Sâm Plus S’body Green quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, qua hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus, Sâm Plus S'body Green đã được quảng cáo với nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm trên lần lượt 2 website: vanxuantonuplus.vn và duocphamthanhmong.com.

Nội dung quảng cáo các sản phẩm trên đã gây hiểu nhầm về tác dụng của sản phẩm, có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Theo Cục An toàn thực phẩm thông tin, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green và Vạn Xuân Tố Nữ Plus do Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma (địa chỉ tại Mỹ Gia 3-24, Vinhomes Bến Đoan, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm và đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành làm việc với Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma. Đáng chú ý, tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thanh Mong, Giám đốc công ty khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green và Vạn Xuân Tố Nữ Plus tại các đường link nêu trên.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma được thành lập ngày 24/3/2020, có địa chỉ trụ sở chính tại Mỹ Gia 3-24, Vinhomes Bến Đoan, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn đồ dùng khác cho gia đình. Người đại diện theo pháp luật công ty là bà Lê Thị Thanh Mong.

Được biết, các quy định pháp luật hiện nay đều nêu rõ, thuốc và thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là khác nhau, có công dụng và mục đích sử dụng khác nhau. Trong đó, thuốc là để chữa bệnh còn thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Thế nhưng, hiện nay nhiều tổ chức cá nhân lại đang quảng cáo mập mờ, đánh tráo khái niệm, quảng cáo thực phẩm chức năng giống như các loại thuốc, có thể chữa bách bệnh. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo vi phạm quy định.

Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm:

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo.

- Sản phẩm đăng ký nội dung quảng cáo phải có Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

- Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm hoặc Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm còn hiệu lực. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

- Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;

- Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh";

- Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

Cùng chuyên mục