Thanh kiểm tra toàn diện, hoạt động quảng cáo trên TikTok Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Chỉ còn vài ngày nữa, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các hoạt động của TikTok. Nhiều nhãn hàng, chủ shop e ngại hoạt động quảng cáo trên TikTok cũng sẽ bị ảnh hưởng.
TikTok tại Việt Nam đang tồn tại nhiều sai phạm
Sáng 5/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, ngày 15/5 sẽ triển khai kế hoạch phối hợp với các bộ ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok Việt Nam.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TikTok tại Việt Nam đang tồn tại 6 sai phạm:
Một là, với những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; ngăn tin giả, nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em… TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Hai là, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view dù những nội dung đó phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, cộng đồng.
Ba là, với các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục… TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn.
Bốn là, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng), việc cho phép thách đấu trực tuyến, idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ những nội dung này.
Năm là, các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh, TikTok không có biện pháp quản lý.
Sáu là, TikTok để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ.
Từ những sai phạm trên, việc cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá toàn diện để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp với các mạng xã hội, trong đó có TikTok là việc làm bình thường, không có yếu tố bất ngờ hay “chỉ dấu bịt miệng, mất dân chủ” như một số luận điệu.
Quảng cáo trên TikTok vẫn có những nhược điểm
Những năm qua TikTok là nền tảng mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh, mạnh tại Việt Nam và nhiều quốc gia. Ngay khi mảng quảng cáo kỹ thuật số bị sụt giảm do suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, gây ảnh hưởng đến Snap, Meta, Google thì TikTok vẫn phát triển. Ngoài tốc độ phát triển, TikTok mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tăng độ nhận diện thương hiệu một cách hiệu quả.
Quảng cáo trên TikTok là quảng cáo video được tài trợ trên ứng dụng này. Khi người dùng xem video trên nền tảng mạng xã hội này, các quảng cáo sẽ được ưu tiên hiển thị dưới dạng video, ở cuối video là nút kêu gọi hành động như mua ngay, chơi ngay, đăng ký ngay. Khi người dùng nhấp vào nút kêu gọi này, sẽ được chuyển hướng đến trang đích, có thể là link web hay trang cài đặt ứng dụng nào đó. Thông thường phí quảng cáo được tính ngay ở thời điểm người dùng nhấp vào quảng cáo và đến trang đích sẵn có.
Dễ dàng nhận thấy các sản phẩm bán chạy trên TikTok có những đặc điểm như: Nhóm sản phẩm làm đẹp, đồ make up, chăm sóc sắc đẹp, thời trang; Nhóm sản phẩm liên quan đến lối sống sinh hoạt hằng ngày của giới trẻ (sạc dự phòng, tai nghe không dây…).
So với các nền tảng khác, quảng cáo trên TikTok vẫn được nhiều người lựa chọn bới những ưu điểm:
Mở rộng tệp khách hàng tiềm năng: TikTok là lựa chọn hợp lý để gia tăng nhận diện thương hiệu và mở rộng tệp khách hàng tiềm năng của thương hiệu sang GenZ. Trong khi người dùng GenZ đang không ngừng gia tăng, đem đến cơ hội giúp các thương hiệu quảng bá sản phẩm hiệu quả.
Không làm gián đoạn trải nghiệm của người dùng: Quảng cáo trên TikTok hiển thị liền mạch cùng với các bài đăng trong mục “Dành cho bạn” hoặc “Đang theo dõi”. Điều này sẽ khiến cho người dùng có những trải nghiệm liền mạch, không đứt quãng và giống với nội dung của người sáng tạo. Đặc biệt, quảng cáo của nhãn hàng nếu sáng tạo và thu hút, người dùng sẽ nhấn nút chia sẻ để truy cập các chức năng chia sẻ khác. Từ đó tạo ra hiệu ứng lan truyền cho chiến dịch quảng cáo trên nhiều nền tảng.
Người dùng tương tác nội dung theo nhiều cách khác nhau: TikTok là một nền tảng được thiết kế để khuyến khích mọi người tham gia vào các chủ đề mà họ yêu thích. Quảng cáo trên TikTok mang lại là các tính năng khuyến khích người dùng tương tác với thương hiệu theo nhiều cách khác nhau.
Quảng cáo của Tiffany & Co trên TikTok thu hút sự chú ý của người xem
Tuy nhiên quảng cáo trên TikTok vẫn còn những nhược điểm, vì là nền tảng chia sẻ video ngắn, nên khoảng chú ý của người dùng trên TikTok cũng hạn chế. Thương hiệu, nhãn hàng chỉ có vài giây để thu hút sự chú ý của họ. Nếu như người dùng cảm thấy thông điệp kém hấp dẫn hoặc nhận ra đây là một quảng cáo, họ sẽ nhanh chóng vuốt lên để tìm kiếm những nội dung khác thú vị hơn. Do đó, hiệu quả của quảng cáo TikTok hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo của thương hiệu.
Có thể nói TikTok là "gã khổng lồ" mới của ngành quảng cáo. Tuy nhiên, những vấn đề tồn đọng khiến các thương hiệu chần chừ khi "rót tiền" vào nền tảng vì lo ngại số tiền đầu tư không nhận được hiệu quả xứng đáng.
Một số nhà quảng cáo do dự bởi vấn đề xử lý bảo mật dữ liệu và kiểm duyệt nội dung của công ty. Ngoài ra còn có một mối lo khác đó là tình trạng tài khoản giả mạo. Theo Pixalate, công ty phần mềm tuân thủ quyền riêng tư và gian lận quảng cáo, trong tháng 9/2022 đã có khoảng 7% lưu lượng truy cập ứng dụng của TikTok không hợp lệ.
Cùng với những thông tin kiểm tra TikTok, không ít nhãn hàng e ngại việc quảng cáo trên nền tảng này vì sợ sẽ gặp nhiều ảnh hưởng. Nhiều chủ shop còn tính đến phương án quảng cáo chuyển đổi về Facebook và Google Ads. Tuy nhiên rõ ràng nếu không vi phạm 6 nội dung trên thì hoạt động quảng cáo trên TikTok của các nhãn hàng, chủ shop sẽ không bị ảnh hưởng.