Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 26/07/2024, 10:06 (GMT+7)

Coi chừng mất tiền vì nhầm lẫn quảng cáo tầm soát đột quỵ rầm rộ

Hiện nay có nhiều người dân nhầm lẫn giữa điều trị - phòng ngừa đột quỵ với các "chiến dịch" tầm soát đột quỵ đang được quảng cáo rầm rộ như chụp MRI, CT-scan, xét nghiệm gene… Chi phí bỏ ra để tầm soát theo "chiến dịch" này là rất đắt nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.

Mỗi năm trên 200.000 ca đột quỵ

Theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới (hiển thị màu đỏ đậm nhất), tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu, mỗi năm nước ta có trên 200.000 ca đột quỵ, theo Thương Trường.

Đáng báo động, theo thống kê chung mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 3 giây lại có 1 bệnh nhân đột quỵ mới và cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời (tỷ lệ này trong những năm trước là 1:6).

Cùng với thực tế số người bị đột quỵ và có nguy cơ đột quỵ tăng cao, kéo theo ngày càng nhiều "chiến dịch" quảng cáo tầm soát đột quỵ ra đời, khiến người dân lầm tưởng tương tự với điều trị phòng ngừa đột quỵ.

Theo nhân viên tư vấn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, không có gói khám tầm soát đột quỵ cụ thể để tìm bệnh. Tại đây sẽ dựa vào từng độ tuổi và tình trạng, nhu cầu sẽ có xét nghiệm riêng, giá từ 2 triệu đồng trở lên cho một lần tầm soát.

Tương tự tại bệnh viện Đống Đa, thông tin giá các kỹ thuật như MRI sọ não khoảng ba triệu đồng, điện não đồ từ 300 nghìn đồng..., chưa bao gồm chi phí khám. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được bảo hiểm hỗ trợ, giảm giá khám.

Trong khi đó tại Bệnh viện SIS Cần Thơ, nhân viên tư vấn báo giá rất cụ thể. Gói dịch vụ bao gồm khám, chụp MRI não, mạch máu não, cảnh tầm soát, đánh giá chức năng gan, thận, hô hấp, mỡ máu, đái tháo đường, có giá 8- 9 triệu đồng.

Hình ảnh 26
Đột quỵ não là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề.

Mất tiền nhưng không hiệu quả

Các bác sĩ khuyên đột quỵ là bệnh có thể dự phòng bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp... Đối với nhóm dự phòng cấp một, tức chưa từng đột quỵ, cần khám định kỳ cứ 6 tháng một lần để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và kiểm soát sớm ngay từ đầu. Người đái tháo đường, huyết áp, mỡ máu nên đi khám một tháng một lần.

Hầu hết trường hợp đột quỵ (>90%) đều có nguyên nhân do có bệnh nền trước đó, như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, béo phì, hút thuốc lá... Nói về vấn đề này, bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho rằng tầm soát có lợi cho sức khỏe song có thể gây tâm lý hoang mang và không phải ai cũng cần đi tầm soát.

Chưa kể, nhiều trường hợp xuất huyết não dị dạng không thể phát hiện thông qua siêu âm như dị dạng mạch nhỏ... Đổ xô đi xét nghiệm tầm soát đột quỵ khiến người bệnh hoang mang, thậm chí yên tâm giả tạo, vừa tốn kém tiền bạc, tâm lý vừa khó dự phòng hết 100% bệnh.

Đối với nhóm dự phòng cấp hai, tức đã từng bị đột quỵ, bác sĩ nhận định nguy cơ cao tái phát. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng thuốc hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì. Mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế chất kích thích để cơ thể khỏe mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, việc tầm soát đột quỵ là nhằm tìm các yếu tố nguy cơ mà người bệnh không phát hiện trước đó như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu. Tầm soát đột quỵ là nhu cầu chăm sóc và quan tâm sức khỏe tích cực, tuy nhiên người dân cần đến những địa chỉ uy tín, các bệnh viện lớn để có lời khuyên từ các bác sĩ. Việc làm quá nhiều gói tầm soát gây tốn kém, không mang lại hiệu quả, đặc biệt áp dụng trên phổ rộng những người khỏe mạnh hoàn toàn.

Bên cạnh đó, việc chụp MRI sọ não chỉ nhằm vào nhóm nguy cơ cao, nếp áp dụng sàng lọc rộng rãi là không cần thiết. Xét nghiệm gene sàng lọc đột quỵ có chi phí lớn nhưng hiệu quả chưa được chứng minh và không nằm trong các khuyến cáo của chuyên ngành đột quỵ.

Cùng chuyên mục