Tại sao số ca đột quỵ tăng vọt trong dịp Tết Nguyên đán?
Lượng bệnh nhân đột quỵ não vào cấp cứu tại bệnh viện trong dịp Tết tăng đột biến so với ngày thường. Nguyên nhân tại sao?
Bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng hơn 20% trong dịp Tết
Theo thông tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Khoa Đột quỵ não của bệnh viện đã tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và chuyển tuyến đến điều trị. Riêng ngày mùng 4 Tết, bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều nhất với 15 ca. Như vậy, số bênh nhân đột quỵ cấp cứu tại bệnh viện tăng 20 - 30% so với ngày thường.
Khoa Đột quỵ não đã phối hợp cùng nhóm đột quỵ - mạch máu não tổ chức cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó đa số là cấp cứu tối khẩn cấp và bệnh nhân nặng chuyển tuyến từ các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực miền Bắc. Trong số 68 bệnh nhân, có 28 bệnh nhân phải can thiệp nội mạch cấp cứu và 5 bệnh nhân cần phẫu thuật giải áp kết hợp đặt dẫn lưu não thất mở cấp cứu do xuất huyết não lớn hoặc xuất huyết dưới nhện có lụt máu não thất.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Khoa Đột quỵ não, Phó Viện trưởng Viện thần kinh - Bệnh viện 108 cho biết, những dịp lễ, Tết, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển tuyến nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa năm nào, số ca đột quỵ lại tăng đột biến như năm nay khiến tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, khí hậu thay đổi thất thường cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ. Mặt khác, một số bệnh nhân dừng, không uống thuốc điều trị huyết áp (đặc biệt là bệnh nhân trẻ) hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường là nguyên nhân khiến số ca nhập viện do đột quỵ gia tăng.
Vì thế, TS.BS Nguyễn Văn Tuyến khuyến cáo người dân, kể cả người trẻ tuổi có bệnh nền như tăng huyết áp nên thực hiện lối sống lành mạnh, nhất là tuân thủ chế độ dùng thuốc không chỉ trong dịp Tết, mà tất cả các dịp lễ hội khác, để tránh hậu quả khôn lường đến từ nguy cơ đột quỵ não.
Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?
Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh là cách hiệu quả để phòng chống đột quỵ. Tăng cường chất xơ từ rau củ quả; chất béo không bão hòa từ dầu ô liu, cá hồi, hạt chia và quả óc chó; chất chống oxy hóa từ dầu thực vật, các loại hạt và quả mọng và thực phẩm tốt cho não bộ… Hạn chế tiêu thụ các loại mỡ động vật, bơ, kem và các sản phẩm chứa chất béo bão hòa. Hạn chế thức ăn mặn giúp kiểm soát huyết áp cao - một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Giảm tiêu thụ sản phẩm chứa đường để tránh tăng cân, béo phì và dẫn đến tiểu đường và làm tăng nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần.
Tập thể dục đều đặn là một cách chống đột quỵ. Việc tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng vận chuyển và sử dụng oxy trong cơ thể cũng như cải thiện sự tuần hoàn máu, làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch.
Giữ tư duy lạc quan sẽ góp phần giảm căng thẳng và stress - yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, tư duy tích cực và lạc quan cũng góp phần giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Không hút thuốc lá bởi thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại, trong đó có nicotine và carbon monoxide, có thể gây tổn thương đến hệ tuần hoàn và tăng nguy cơ đột quỵ. Hút thuốc lá còn gây tăng huyết áp ngay lập tức sau khi hút. Hơn nữa, hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu đến não. Khi não không nhận được đủ lượng máu giàu oxy và dưỡng chất để nuôi các tế bào não thì sẽ có nguy cơ đột quỵ.
Hạn chế rượu bia và các loại thức uống có cồn. Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ. Đồ uống có cồn cũng góp phần làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, tạo điều kiện cho sự hình thành mảng bám trong động mạch – một trong những nguyên nhân chính gây ra đột quỵ. Chúng còn góp phần gây mất nước và điện giải, làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể và tăng nguy cơ đột quỵ.
Ổn định huyết áp là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khi thực hiện những cách phòng ngừa đột quỵ. Huyết áp tăng cao làm tăng áp lực lên các mạch máu và có thể gây tổn thương đến hệ tuần hoàn, đặc biệt là động mạch. Hơn nữa, huyết áp cao cũng làm tắc nghẽn mạch máu não gây đột quỵ. Người có huyết áp cao nên thảo luận với bác sĩ về kế hoạch điều trị.
Cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch… là những bệnh lý góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, cách phòng ngừa đột quỵ chính là nên điều trị các bệnh lý liên quan. Hãy luôn tuân thủ chỉ định và hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất, duy trì sức khỏe.
Bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ cũng như bệnh lý liên quan đến đột quỵ. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.