Sử dụng thuốc nhuộm tóc trôi nổi trên thị trường có thể gây ung thư da?
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, trong thuốc nhuộm tóc thưởng sử dụng hóa chất paraphenylenediamin. Thực nghiệm cho thấy, nếu để hóa chất này dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc có thể gây ung thư da, ung thư vú.
Nhuộm tóc - nhu cầu làm đẹp không của riêng ai
Khoảng 4.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã có ý thức làm đẹp và được coi là ông tổ sáng tạo ra các loại mỹ phẩm trong đó có thuốc nhuộm tóc. Theo ghi chép, họ dùng cây Henna để biến mái tóc bạc thành tóc đen. Nhiều năm sau, người La Mã và Hi Lạp đã phát triển bảng màu nhuộm tự nhiên với màu sắc đa dạng, phong phú.
Năm 1863, khi tạo ra thuốc chữa bệnh sốt rét, nhà khoa học người Anh Perkin đã tình cờ tạo ra thuốc nhuộm nhân tạo có màu hoa cà và đặt lên là Mauveine. Sau đó nhà hóa học August Hoffman (người Đức) đã nghiên cứu ra thuốc nhuộm chứa Paraphenylenediamine (viết tắt là PPD). Đến nay, hoạt chất này vẫn là thành phần chủ yếu trong các loại thuốc nhuộm tóc hiện đại.
Ngày nay nhuộm tóc dường như trở thành xu hướng và là một phần tất yếu của cuộc sống, không chỉ có nữ giới mà nam giới cũng ưa chuộng hình thức làm đẹp này. Ngay cả những người trung niên hoặc cao tuổi cũng muốn nhuộm tóc đen để níu giữ thanh xuân, tạo sự trẻ trung.
Tuy nhiên, trước sự tiện dụng đó, ít người bận tâm đến mối nguy hại tiềm ẩn mà thuốc nhuộm âm thầm gây ra cho sức khỏe con người. Đặc biệt là những loại thuốc nhuộm tóc giá rẻ trôi nổi trên thị trường. Như đã thông tin, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc nhuộm tóc được quảng cáo nhập khẩu Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… hoặc do Việt Nam sản xuất nhưng giá rất rẻ từ 10.000 - 100.000 đồng/combo.
Hầu hết các sản phẩm này được được bày bán công khai tại các khu chợ, cửa hàng tóc, sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Đáng chú ý hơn, những sản phẩm rẻ tiền này thường không mô tả cụ thể về sản phẩm như bảng thành phần, thời gian sản xuất, hạn sử dụng, chống chỉ định với nhóm đối tượng nào…
Chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn, người dùng đã có thể mua được thuốc nhuộm tóc đủ loại màu sắc khác nhau. Chẳng những thế người dùng còn hoàn toàn đặt niềm tin vào những loại thuốc nhuộm này mà không hề nghi ngại về chất lượng cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe.
Thuốc nhuộm tóc trôi nổi có thể gây ung thư
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, do chứa nhiều hóa chất nên nhuộm tóc là phương thức làm đẹp có hại cho tóc, da đầu. Trong thuốc nhuộm tóc chứa hóa chất nên có thể có khả năng gây dị ứng. Ngay cả những loại thuốc được quảng cáo chất lượng, an toàn với nhiều người nhưng vẫn có thể gây kích ứng với số ít người bởi cơ địa mỗi người khác nhau, khả năng dị ứng cũng sẽ khác.
Những loại thuốc rẻ tiền, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc càng tiềm ẩn mối nguy với sức khỏe vì không thể kiểm soát bên trong có những thành phần gì. Khi nhuộm tóc, các chất độc hại sẽ ngấm vào da đầu, với nhiều người có thể không thấy phản ứng gì. Tuy nhiên, cũng có người bị các phản ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa, đau rát và phồng rộp vùng da đầu bôi thuốc, nặng thì vết thương lở loét, nhiễm trùng…
Việc sử dụng những loại thuốc nhuộm trôi nổi về lâu dài có thể ảnh hưởng gan, thận. Mặc dù vậy, hiện nay, ở nước ta, chưa có nghiên cứu cụ thể nào về thời gian cũng như hàm lượng tiếp xúc đối với thuốc nhuộm tóc.
Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, TS. BS Lê Thảo Hiền - Khoa thẩm mỹ da - cho hay, có rất nhiều trường hợp dùng thuốc nhuộm tóc bị dị ứng. Hiện tượng này xảy ra do các thành phần trong thuốc hoặc do da đầu của người dùng có vấn đề.
Trong thuốc nhuộm tóc thường có các chất như phẩm màu, thảo dược, chất bảo quản, tạo mùi hương… Nếu kỹ thuật nhuộm không đúng sẽ khiến cho thuốc bám dính nhiều trên da dầu gây viêm da. Bên cạnh đó, thuốc nhuộm tóc cũng là chất lạ với cơ thể và gây nên các phản ứng dị ứng. Rất nhiều người nhuộm tóc lần đầu có các biểu hiện dị ứng như ngứa, đau rát da đầu. Sau vài ngày có thể xuất hiện mụn nước, những mụn nước này vỡ ra khiến vi trùng xâm nhập và tạo thành mụn mủ.
Có nhiều trường hợp nhuộm tóc sau vào ngày thì mặt bị sưng phù, điều này chứng tỏ việc nhiễm trùng đã diễn tiến toàn thân, ngoài ra quanh vùng mi mắt, môi sưng lên, trầm trọng hơn thì phù nề niêm mạc, khó thở.
BS Hiền cũng thông tin, những trường hợp dị ứng thuốc nhuộm nghiêm trọng cần đến các chuyên khoa da liễu khám và điều trị. Điều trị muộn sẽ gây khó khăn cho việc chữa trị và có thể để lại di chứng mất thẩm mỹ. Đặc biệt, dị ứng thuốc nhuộm điều trị phức tạp hơn các loại mỹ phẩm khác do phải cạo tóc để bôi thuốc.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, thuốc nhuộm tóc thường sử dụng hóa chất paraphenylenediamin. Thực nghiệm cho thấy, nếu để hóa chất này dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc có thể gây ung thư da, ung thư vú. Các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh rằng Paraphenylenediamin gây hen, chàm, dị ứng, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng, nếu ngộ độc nặng có thể gây tử vong.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao với những người nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm. Tỷ lệ ung thư ở những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này.
Để nhuộm tóc đảm bảo an toàn, kiểm tra mức độ dị ứng bằng cách chấm một ít thuốc lên vùng da sau tai, rồi để khoảng 24 tiếng đồng hồ. Khi thấy cơ thể không có phản ứng gì thì thuốc nhuộm đó không gây phản ứng. Còn trong trường hợp vùng da đó bị đau rát, ngứa, phồng rộp, lở loét thì không nên dùng. Nên lựa chọn những loại thuốc nhuộm tóc của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc và bảng thành phần rõ ràng, hạn chế thay đổi nhãn hiệu thuốc và thay đổi màu tóc nhuộm liên tục.