Sai phạm quảng cáo, Công ty WPP bị xử phạt 25 triệu đồng
Hành vi sai phạm quảng cáo xuyên biên giới mới đây của Công ty Truyền thông WPP đã phải nhận Quyết định xử phạt 25 triệu đồng từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định xử phạt số 138/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM) bởi các hành vi sai phạm quảng cáo tại các nền tảng xuyên biên giới.
WPP đã thực hiện đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (nhãn hàng Redoxon) trên kênh chứa nội dung vi phạm pháp luật ở nền tảng YouTube; đồng thời, bỏ qua quy định báo cáo hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam năm 2022 cho cơ quan quản lý. Theo đó, tổng mức phạt được áp dụng đối với 2 hành vi trên là 25 triệu đồng.
Trong thời gian làm việc mới đây với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Công ty WPP đã thừa nhận sai sót, cam kết không tái phạm và tuân thủ theo quy định của pháp luật trong hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Trước đó vào ngày 10/4, Bộ TT&TT cũng từng xử phạt vi phạm hành chính đối với WPP, trụ sở chính tại Quận 1, TP.HCM. Trong Quyết định nêu rõ, WPP đã đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam trên trang Facebook chứa nội dung vi phạm pháp luật. Mức phạt hành chính của hành vi sai phạm quảng cáo này là 15 triệu đồng và buộc tháo gỡ toàn bộ quảng cáo trên những trang Facebook có nội dung vi phạm.
Hiện nay, thực trạng sai phạm quảng cáo bởi việc gắn ở những nội dung độc hại, phản động trên các nền tảng xuyên biên giới diễn biến rất phức tạp. Những hành vi này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp, đồng thời cũng là “bẫy” gây ra các sai phạm.
Để bảo đảm sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ TT&TT đã và đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt những hành vi sai phạm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ thực thi nhiều giải pháp kinh tế, điều tiết dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới vào các nền tảng nội dung số, website, mạng xã hội, tài khoản được cấp phép hoặc có đăng ký hoạt động với Bộ.
Hiện tại, Bộ TT&TT cũng đã công khai “Danh sách nội dung xấu độc trên mạng” (Black list) và khuyến cáo không thực hiện hợp tác quảng cáo với những đối tượng này. Song song với đó, Bộ cũng đã xây dựng “Danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng” (White list) để những nhãn hàng, đại lý ưu tiên quảng cáo. Danh sách này được công bố trên website của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử.
Quy định xử phạt hành chính với hành vi sai phạm quảng cáo nêu trên của Công ty TNHH Truyền thông WPP được áp dụng theo khoản 2a Điều 38 Nghị định 38 ngày 29/3/2021 của Chính phủ, và được bổ sung bởi điểm b khoản 13 Điều 4 Nghị định 129/2021 ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.