Chủ nhật, 13/04/2025
logo
Góc nhìn

Review sản phẩm trên mạng: Đâu là ranh giới giữa “tự do thể hiện ý kiến cá nhân” và “trách nhiệm pháp lý khi gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng”?

Thanh Hoa Chủ nhật, 13/04/2025, 06:20 (GMT+7)

Một vài dòng review trên mạng xã hội có thể định đoạt số phận của một sản phẩm, doanh nghiệp hay thậm chí là với người tiêu dùng. Vậy, liệu tự do thể hiện quan điểm có đồng nghĩa với quyền tự tung tự tác, bất chấp pháp luật?

Livestream bán hàng có thực sự là kênh kiếm tiền cho thương hiệu hay chỉ là 'bánh vẽ' marketing?

Khi KOL, KOC là “cầu nối” giữa thương hiệu và người tiêu dùng: Một lời khen… giá hàng trăm triệu đồng!

Heineken 'gây sốt' với ốp lưng AI, tự động lật úp khi nghe tiếng 'cheers' – tạm biệt thói quen lướt điện thoại giữa cuộc vui

Khi review “có cánh” lại thiếu kiểm chứng: Câu chuyện từ kẹo Kera

Một trong những ví dụ điển hình gần đây cho thấy ranh giới mong manh khi tự do thể hiện quan điểm cá nhân dẫn đến phải chịu trách nhiệm pháp lý chính là vụ việc xoay quanh sản phẩm kẹo Kera. Hàng loạt cái tên nổi tiếng trên mạng xã hội như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, TikToker Phan Bảo Long, TikToker Nguyễn An (Chủ kênh “Chucareviewkhongbooking”) đã lần lượt giới thiệu sản phẩm này trên các nền tảng mạng xã hội với lời lẽ tích cực, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Sản phẩm kẹo Kera được nhiều người tham gia quảng cáo, “review” và dành những lời khen ngợi “có cánh”. Đặc biệt, chính tuyên bố “1 viên kẹo có thể thay thế 1 đĩa rau xanh” từ Quang Linh Vlogs đã khiến không ít người dùng tin tưởng mà đặt mua và sử dụng.

ban-sao-kera-174117638051180489637-17441096252741393733767-1457
“1 viên kẹo có thể thay thế 1 đĩa rau xanh” là lời khen có cánh thiếu sự kiểm chứng (Ảnh: Sưu tầm)

Tuy vậy, điều khiến dư luận dậy sóng là không lâu sau, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 193 và 198 Bộ luật Hình sự. TikToker Nguyễn An cũng thực hiện trình báo cơ quan chức năng để khắc phục trách nhiệm và có hướng xử lý việc quảng cáo sai sự thật. Kế đó, TikToker Phan Bảo Long cũng phải lên tiếng xin lỗi trong câu chuyện liên quan. 

Review đổi lấy hoa hồng và ràng buộc pháp lý cần biết

Không thể phủ nhận, những đánh giá sản phẩm từ người tiêu dùng thật đã trở thành một phần không thể thiếu trong quyết định mua sắm của hàng triệu người. Một bài review có tâm, chi tiết và trung thực có thể giúp người mua tránh được “cú lừa”, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện chất lượng. Tuy nhiên, việc các “reviewer” thỏa thuận, nhận lợi ích của doanh nghiệp để quảng cáo “lố” hay không đúng sự thật cũng không phải là câu chuyện hiếm có hiện nay.

Ở góc độ pháp lý, việc người nổi tiếng nhận tiền hoặc các lợi ích khác để quảng cáo không phải hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng khi người nổi tiếng vì lợi ích cá nhân mà cố tình phóng đại hoặc quảng cáo sai lệch hẳn công dụng sản phẩm mà mình quảng cáo dù không có kiểm chứng, kiểm định hoặc che giấu thành phần, tác dụng phụ không tốt cho người sử dụng để tăng doanh số bán hàng thì đó là hành vi thiếu đạo đức, thậm chí có thể bị xử lý theo luật bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Lê Thanh Lâm - Thạc sĩ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự cho biết: “Theo Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, ‘Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình’. Tuy nhiên, việc tự do thể hiện ý kiến cá nhân không phải là quyền tuyệt đối mà không có giới hạn. Trong thực tế, quyền tự do ngôn luận phải được cân nhắc trong bối cảnh các quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác và của toàn xã hội”.

Khi một cá nhân hay tổ chức thể hiện ý kiến của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại, marketing, quảng cáo hoặc các đánh giá sản phẩm, dịch vụ, có thể phát sinh những hậu quả ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đó là khi lời nói, bài viết, thông điệp không chỉ đơn thuần là một quan điểm cá nhân mà có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tiêu dùng của họ.

Nếu những lời nói, đánh giá hay thông điệp gây hiểu lầm, sai lệch thông tin hoặc khiến người tiêu dùng đưa ra quyết định sai lầm, thì có thể dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Chẳng hạn, việc quảng cáo sai sự thật về chất lượng, che dấu các thành phần, tác dụng phụ của sản phẩm, dịch vụ có thể gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. 

Trong trường hợp này, cá nhân hay tổ chức phát ngôn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo các quy định pháp luật liên quan.

6d9c7ea83bba88e4d1ab-1500
Ông Lê Thanh Lâm cho biết, người phát ngôn sai sự thật có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo các quy định pháp luật.

Ông Lê Thanh Lâm cho biết thêm: “Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm bị cấm, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Trường hợp cá nhân quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt 60-80 triệu đồng được quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021. Một số trường hợp như quảng cáo mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng gây hiểu lầm có mức phạt thấp hơn, dao động 20-40 triệu đồng. Trường hợp là tổ chức vi phạm mức phạt sẽ áp dụng gấp đôi so với mức phạt của cá nhân.

Bên cạnh đó, ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: Buộc gỡ bỏ, xóa các nội dung quảng cáo sai sự thật; buộc cải chính thông tin và xin lỗi công khai; cấm tham gia hoạt động quảng cáo 1-3 năm khi thuộc trường hợp nghiêm trọng hoặc tái phạm.

Trường hợp quảng cáo gian dối gây hậu quả nghiêm trọng và đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội quảng cáo gian dối hoặc Tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 197 hoặc Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Theo đó, người vi phạm có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Đã đến lúc đặt lại nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp

Vụ việc với kẹo Kera chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn của “nền kinh tế review”. Trong khi người xem ngày càng khắt khe và tỉnh táo hơn thì mỗi vụ scandal như thế lại làm sụt giảm lòng tin của công chúng vào toàn bộ giới influencer. Người tiêu dùng dần học được cách hoài nghi, nhưng cái giá phải trả là sự nhiễu loạn và hoang mang thông tin.

Với những reviewer thật sự có tâm và có tầm, đây là thời điểm để đặt lại nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Bởi một khi uy tín đã mất, không dễ gì lấy lại được – dù là một cá nhân hay một thương hiệu.

“Vấn đề không nằm ở việc bạn có nhận quảng cáo hay không, mà là bạn có minh bạch với khán giả không? Bạn có biết rõ sản phẩm đó là gì, đã qua kiểm nghiệm chưa, có giấy tờ pháp lý không? Hay chỉ đơn giản là ‘có tiền là nói tốt’?” - Ông Lê Thanh Lâm nhấn mạnh.

Một bài đánh giá có thể giúp ích hoặc gây hại, tùy thuộc vào thái độ và sự trung thực của người viết.

Đối với người tiêu dùng, hãy là người đọc thông minh: kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn, tỉnh táo trước các bài viết quá tiêu cực hoặc mang tính công kích. Còn với những ai đang và sẽ trở thành reviewer, hãy nhớ rằng mỗi lời nói bạn viết ra đều có sức nặng. Tự do không đồng nghĩa với vô trách nhiệm. Mạng xã hội không phải “vùng đất vô luật”!!!.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục