Quy định nội dung và hình thức quảng cáo không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay!?
Ngành quảng cáo ngày càng có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc hành lang pháp lý đi kèm cần được sửa đổi, bổ sung nhanh chóng và phù hợp.
Quảng cáo là một phương pháp marketing thông minh và hiệu quả, góp phần quan trọng giúp phủ rộng hình ảnh thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đến với nhiều người.
Quy định hiện hành về các phương tiện quảng cáo
Để ngành quảng cáo có thể phát triển đúng hướng và hiệu quả, các quy định liên quan đến hoạt động của ngành dần được thắt chặt hơn. Trong đó, tại Điều 17 Luật Quảng cáo 2012 đã nêu rõ về các phương tiện quảng cáo như sau:
“Điều 17. Phương tiện quảng cáo
1. Báo chí.
2. Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
3. Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.
4. Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.
5. Phương tiện giao thông.
6. Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao.
7. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo.
8. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.”
Việc quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo phải tuân thủ các quy định về quảng cáo trên từng phương tiện được quy định từ Điều 18 đến Điều 38 Luật Quảng cáo 2012.
Một số quy định nội dung và hình thức quảng cáo chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành
Hiện tại, với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội kéo theo nhiều hình thức, nội dung quảng cáo ngày càng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, hoạt động quảng cáo thông qua người có sức ảnh hưởng (Influencer Advertising/Influencer Marketing), người dùng mạng xã hội đang trở nên rất phổ biến và khó kiểm soát.
Việc các tài khoản mạng xã hội không ngừng quảng bá, giới thiệu, mời chào các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, “treo đầu dê, bán thị chó” đang khiến đông đảo người tiêu dùng bức xúc, khó chịu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” diễn ra vào tháng 12/2023 trước đó, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có bài phát biểu, chia sẻ về tầm quan trọng của việc nên thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.
“Luật Quảng cáo đã được ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013. Sau hơn 10 năm thực hiện, đã nảy sinh nhiều bất cập chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành cũng như khó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo phát huy hết tiềm năng”.
Thể theo quy định về Phương tiện quảng cáo của Luật Quảng cáo 2012, có thể thấy mặc dù các điều khoản tương đối rõ ràng, cụ thể song theo thời gian nó vẫn tồn tại một số hạn chế, chưa bám sát theo tốc độ phát triển của thị trường và xã hội.
Trong đó, có 3 vấn đề tiêu biểu gây bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại, như:
-
Luật Quảng cáo hiện hành chỉ đang tập trung vào trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh sản phẩm/dịch vụ, chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Do vậy, đối với các yêu cầu về việc những đối tượng này cần có sự tìm hiểu, trách nhiệm với nội dung mà mình cung cấp cũng như các chế tài xử phạt trong trường hợp nội dung quảng cáo không phù hợp, sai sự thật cũng chưa được quy định rõ.
-
Luật Quảng cáo chưa có sự phân định rõ ràng về hoạt động quảng cáo cùng các yêu cầu bắt buộc trong việc cung cấp thông tin sản phẩm/dịch vụ. Điều này gây cản trở trong việc nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật, doanh nghiệp khó khăn để thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Đặc biệt, đối với những sản phẩm/dịch vụ nằm trong hạng mục đặc biệt hoặc bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo.
-
Luật Quảng cáo 2012 không quy định cụ thể nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo đối với hạng mục loại sản phẩm/dịch vụ đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Những quy định này chỉ được thể hiện trong Nghị định hướng dẫn và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành dễ gây mâu thuẫn, chồng chéo, khó hiểu và khó thực thi.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cũng bày tỏ sự bất cập trong công tác ban hành các quy định liên quan trong ngành quảng cáo: “Các bộ luật, các nghị định, văn bản dưới luật, các chính sách riêng của mỗi địa phương, vùng miền còn chưa có sự đồng nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung. Điều này dẫn đến việc nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở không được giải quyết kịp thời.” - ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
- Quảng cáo có lập trình: Ưu, nhược điểm là gì?
- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm
- 11 sự kiện hợp tác “đình đám” của các thương hiệu nổi tiếng
- Quảng cáo có lập trình: Ưu, nhược điểm là gì?
- Điểm danh những chiến dịch quảng cáo đầy thú vị của KitKat
- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm
- Quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh: Có thể bị phạt tù đến 5 năm
- 11 sự kiện hợp tác “đình đám” của các thương hiệu nổi tiếng
- Làm cách nào để thương hiệu tiếp cận với khách hàng là sinh viên?