Thứ năm, 14/11/2024, 15:22 (GMT+7)

'Mảnh đất' màu mỡ cho các quảng cáo sai phạm được nhận diện, siết chặt quản lý thế nào?

Với ưu thế lượng người dùng lớn, chi phí rẻ, các nền tảng xuyên biên giới đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo xấu độc. Để siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác lập pháp, thi hành pháp luật cần được đẩy mạnh.

Ma trận quảng cáo "vàng thau lẫn lộn"

Trong phiên chất vấn ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, các vi phạm về nội dung quảng cáo chủ yếu như quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp (tín dụng đen, tiền ảo, game cờ bạc, cá độ); quảng cáo các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thậm chí quảng cáo chữa bách bệnh, kể cả ung thư; quảng cáo sai sự thật, lừa đảo (dùng hình ảnh mạo danh logo các báo, đài để tạo lòng tin). 

Đáng lưu ý, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.

“Một phần doanh thu quảng cáo lại được YouTube, Facebook chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình trung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.

.
Các nền tảng xuyên biên giới này đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các quảng cáo xuất hiện và hưởng lợi.

Cũng theo ghi nhận của PV, trên các trang mạng xã hội (YouTube, Facebook, TikTok), các doanh doanh nghiệp, doanh nhân thật giả lẫn lộn thường lợi dụng các sơ hở trong chính sách của các nền tảng này để thực hiện hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm “thượng vàng hạ cám” từ mọi lĩnh vực.

Trong đó, phổ biến nhất là các quảng cáo, giới thiệu cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh, mua bán sản phẩm thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế,... Bác sĩ “dỏm”, “giả” chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong khám, chữa bệnh, kèm theo quảng cáo cho một cơ sở khám, chữa bệnh với những lời thề thốt, “cam đoan chữa khỏi” nhiều căn bệnh nan y.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, YouTube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ; đồng thời, tuyển đại lý, kênh quảng cáo vệ tinh, trung gian để khuếch tán sản phẩm cờ bạc. Các đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội đẩy mạnh quảng cáo để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến, “vay vốn không cần thế chấp” với thủ tục vay dễ dàng, giải ngân nhanh chóng ẩn sau đó là những biến tướng về lãi suất (thu phí dịch vụ cao, nhiều trường hợp lãi suất cộng dồn lên đến 2.000%/năm).

Tinh vi hơn, nhiều nội dung quảng cáo có nội dung xấu độc còn được các đối tượng tự ý gắn thêm logo của Đài Truyền hình Việt Nam, kênh Quốc Phòng Việt Nam hay hình ảnh của người dẫn chương trình, các biên tập viên của đài để tạo lòng tin, đánh lừa người dùng. Trong đó, quảng cáo thuốc Đông y, thực phẩm chức năng, các loại sữa,... được phóng đại như “thần dược” khiến hàng triệu người “sập bẫy”.

"Ẩn họa" đằng sau những vi phạm

Số liệu từ Statista cho biết, doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2023 tại Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 50% tổng chi tiêu toàn ngành quảng cáo Việt Nam (2,6 tỷ USD), tăng khoảng 30% so với năm 2021 (khoảng 850 triệu USD). Trong đó, 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỷ USD). 

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ thu được một phần rất nhỏ trong những khoản thuế liên quan đến lĩnh vực này. Theo thống kê số thu thuế của Tổng cục Thuế năm 2023, các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được số tiền 8.000 tỷ; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ.

Đáng nói, "lỗ hổng" trong quản lý không chỉ gây thất thoát về mặt kinh tế mà quan trọng hơn, tính mạng, sức khỏe và lòng tin của người dân cũng đang bị thách thức trong ma trận quảng cáo "vàng thau lẫn lộn". Nhiều người vì trót tin vào những quảng cáo thổi phồng, xấu độc mà phải "tiền mất, tật mang", thậm chí mất mạng. 

Trước đó, PV Tiếp thị & Gia đình đã vạch trần chiêu trò quảng cáo của một số cơ sở chân mày phong thủy. Được biết, các cơ sở này đã sử dụng hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo trên các trang mạng xã hội, khiến người tiêu dùng nghĩ rằng đây là nơi uy tín, chất lượng. Tin vào quảng cáo, nhiều khách hàng thay vì được tài lộc, may mắn, đổi đời, vận mệnh giàu sang… thì lại rơi vào trạng thái lo âu, hoảng sợ vì trở thành con nợ của các cơ sở chân mày và các tổ chức tín dụng. 

Chị T.T.C (quận Gò Vấp, TP. HCM) - một trong những nạn nhân của các quảng cáo chân mày phong thủy cho biết, trên các trang mạng xã hội, dịch vụ làm chân mày phong thủy tại cơ sở này được quảng cáo với giá 750.000 đồng (giá gốc 3 triệu đồng). Tuy nhiên, khách khi đến làm lại bị dẫn dụ chọn các gói dịch vụ cao hơn. Với trường hợp của chị T.T.C, từ mức giá 750.000 đồng trên quảng cáo đã nâng lên vượt mức 86 triệu đồng khi trải nghiệm thực tế.

Tương tự, chị T.T.N.A (33 tuổi, ngụ Vũng Tàu) cũng cho biết, đang phải đối mặt với khoản nợ tín dụng với công ty tài chính là 20 triệu đồng và nợ cơ sở chân mày phong thủy 20 triệu đồng, tổng số tiền nợ là 40 triệu đồng sau khi tin theo các quảng cáo của cơ sở chân mày này. 

Siết chặt quản lý thế nào?

Liên quan đến thực trạng này, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, trong bối cảnh quảng cáo xấu độc, sai sự thật tràn lan trên các trang mạng xã hội, người tiêu dùng cần học cách để trở thành người tiêu dùng thông minh. Cùng với đó, công tác lập pháp và thi hành pháp luật trong lĩnh vực này cần được đẩy mạnh. 

Thumb (9)
Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.

Ngày 9/11/2024, Nghị định Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng đã được ban hành. Theo đó, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Với quy định bắt buộc định danh tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động, các nhà quản lý kỳ vọng sẽ có thể tạo ra một môi trường mạng xã hội an toàn và minh bạch hơn, từ đó ảnh hưởng tích cực đến hoạt động quản lý và quảng cáo trên mạng.

"Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm các trách nhiệm của nền tảng xuyên biên giới để xử lý các nội dung vi phạm trên các nền tảng, trong đó có vi phạm về quảng cáo. Tuy nhiên nghị định này vẫn chưa đủ sức mạnh răn đe. Cơ quan quản lý phải đưa những nội dung đó vào Luật Quảng cáo sửa đổi mới đủ sức mạnh để răn đe các nền tảng" - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam bày tỏ.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, tại dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung các quy định về nội dung này. Hiện dự thảo đang trong quá hoàn thiện. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vào sáng ngày 26/11 sắp tới.

Cùng chuyên mục