Loạn tài khoản TikTok quảng cáo thực phẩm chức năng của người nhận là Tiến sĩ An – Giảng viên Đại học Y Dược
Hơn 20 kênh TikTok đang dùng hình ảnh của người nhận là TS Lê Ngọc An Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội để quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng có dấu hiệu gây nhầm lẫn như thuốc điều trị bệnh, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm mua sản phẩm.
Mê hồn trận kênh Tiktok dùng hình ảnh Tiến sỹ để quảng cáo TPCN
Phóng viên Tiếp thị và Gia đình nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc có hơn 20 kênh Tiktok sử dụng hình ảnh của người tự giới thiệu là Tiến sĩ Lê Ngọc An nhận là Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội quảng cáo thực phẩm chức năng với hàng loạt công dụng. Điều đáng nói là các video này có dấu hiệu thông tin, quảng cáo có tính chất ‘thổi phồng’ các sản phẩm TPBVSK so với nội dung được cơ quan của Bộ Y tế cấp phép.
Ghi nhận tại trang tiktok “Tiến sĩ An (@tsdsngocan)” cho thấy, trang này có 225,9 nghìn người follow. Trang có gian hàng bán các sản phẩm cod với 2 danh mục: Chăm sóc sắc đẹp & chăm sóc cá nhân với 1 sản phẩm và sức khoẻ với 30 sản phẩm.
Trong đó, sản phẩm Liposomal NMN được người nhận là TS An quảng cáo dùng được cho cả nam và nữ, tác dụng tăng năng lượng khoẻ khoắn từ thể chất đến tinh thần, giúp trẻ hoá, chống lão hoá, làm chậm quá trình lão hoá, cải thiện vấn đề rối loạn chuyển hoá như: chuyển hoá đường, mỡ, các rối loạn chuyển hoá bên trong cơ thể được cải thiện. Sản phẩm này được ông An khẳng định dùng rất tốt cho gan, tốt cho não, tốt cho thận, tốt cho những người tiểu đường, mỡ máu dùng rất tốt.
Tuy nhiên, theo giấy xác nhận quảng cáo số 1312/2023/XNQC – ATTP do Cục ATTP cấp cho Công ty TNHH Chis Việt Nam thì sản phẩm Liposomal NMN chỉ có tác dụng với một dòng ngắn gọn: “Hỗ trợ tăng cường sức khoẻ, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ giảm mệt mỏi”.
Qua đối chứng nêu trên cho thấy, nếu người tiêu dùng chỉ nghe những lời quảng cáo mà không biết cách kiểm tra các nội dung do cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì ai cũng cho rằng Liposomal NMN là “cứu tinh” dành cho sức khỏe của con người. Nhất là những người có da bị chảy sệ, nhăn nheo và những chị em mong muốn trẻ hoá da, khuôn mặt.
Ngoài ra khi quảng cáo về sản phẩm này, vị ‘giảng viên’ còn lồng ghép những lời chia sẻ của GS David Sinclair - Đại học Harvard để tạo uy tín cho cá nhân và nội dung mình phát ra nhằm thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm.
Hay như sản phẩm Liposomal glutathione được vị ‘tiến sĩ’ quảng cáo với hàng loạt công dụng như: Cải thiện nhiều chức năng trên cơ thể như gan, não, hệ thần kinh, bảo vệ chức năng gan, thận, làm đẹp da. Đặc biệt là bệnh nhân suy thận cấp độ 1, độ 2, độ 3, độ 4 hay những người chạy thận (độ 5) cũng có thể dử dụng. Đối với quá trình tiến triển của bệnh suy thận thì có thể làm giảm quá trình tiến triển của bệnh, cải thiện tình trạng thiếu máu do suy thận.
Thậm chí vị tiến sĩ cũng không quên khẳng định glutathione có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế dành cho bệnh nhân suy thận đang phải chạy thận.
Tuy nhiên theo giấy xác nhận quảng cáo số 1832/2020/XNQC – ATTP do Cục ATTP cấp cho Công ty TNHH Chis Việt Nam thì sản phẩm Liposomal glutathione chỉ có công dụng: “Hỗ trợ giảm nám da, hỗ trợ giúp sáng da”.
Cũng ghi nhận tại kênh tiktok này, trong số các sản phẩm được bày bán, thì sản phẩm rẻ nhất không dưới 600.000 đồng; như Triple Strength Omega-3 có giá 639.000 đồng; Sản phẩm có giá bán cao nhất là 3.429.000 đồng (1 Hộp Liposomal NMN Codeage,90 viên + 1 Hộp Liposomal Glutathione Codeage (500mg/1000mg) với hình thức bán Combo.
Ngoài ra trang này còn gắn hàng loạt các sản phẩm khác với thông tin về số lượng đã bán rất lớn. Cụ thể: Liposomal Glutathione CODEAGE với hàm lượng 500mg, hộp 60 viên dùng 1-2, số lượng đã bán 7030; Viên uống Liposomal NMN hỗ trợ cái thiện sức khóe, USA, Hộp 90 viên, dùng được cá nam và Nữ, số lượng bán ra 5281; Triple Strength Omega-3, Dầu cá hàm lượng cao, hộp 80 viên, dùng cho nam và nữ, dã bán 4821;
Viên uống Manhae Menopause Nutrisante bổ sung nội tiết tố nữ của Pháp, hộp 90 viên, dùng được 3 tháng, đã bán 2402; Liposomal Glutathione CODEAGE hàm lượng 1000mg, Hỗ Trợ Sức Khỏe, USA Chính Ngạch, 60 viên Dùng Được 1-2 Tháng, đã bán 1776; Glucosamine 1500 Plus Henry Blooms hỗ trợ tăng dịch khớp, bảo vệ khớp (90 viên, dùng 3 tháng), đã bán 783; Omega 3 Amen Codeage, bổ sung dầu cá cho cơ thế, USA chính hãng, 90 viên, dùng 45, đã bán 692,….
Còn đối với một số sản phẩm được bán theo hình thức combo cụ thể như: Combo 3 Hộp Canxi Bone F1000 One A Day, hỗ trợ chắc khỏe xương, dùng trong 3 tháng, đã bán 434; Combo 1 Hộp Henry Blooms Glucosamine 1500 Plus (90 viên) và 3 Hộp Canxi Bone F1000 (Hộp/30 viên), chăm sóc sức khỏe xương khớp, đã bán 214; Combo 2 Hộp Triple Strength Omega-3, Dâu cá hàm lượng cao, Hộp 80 viên, Dùng cho nam và nữ, đã bán 107; Combo 1 Hộp Liposomal Glutathione Codeage (500mg/1000mg) và Triple Strength Omega-3 (80 viên), hỗ trợ cải thiện sức khỏe, đã bán 87,….
Hay như kênh Tiktok “Tiến sĩ An – shop (@tsdsngocanshop)” có hơn 13 nghìn follower, phần trưng bày có 31 sản phẩm, đã bán 2613 lượt với mức giá và cách thức giao hàng đều giống với kênh tiktok nêu trên.
Ngoài ra còn có hàng loạt kênh tiktok khác có tên Tiến sĩ An khác đăng tải hàng loạt các video quảng cáo, các sản phẩm trưng bày và đều được bán dưới hình thức ship COD.
Thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng hoang mang
Qua theo dõi, khảo sát của PV Tiếp thị & Gia đình, các sản phẩm, hình ảnh và thương hiệu được quảng bá, lan tỏa trên không gian mạng liên quan đến Tiến sĩ An có nhiều thông tin hữu ích và thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng.
Tuy nhiên, song hành cùng việc chia sẻ các kiến thức hữu ích lại xuất hiện quá nhiều tài khoản có nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng quá đà khiến người tiêu dùng hoang mang.
Trong số các video có xuất hiện người nhận mình là Tiến sĩ An, có video khẳng định kênh này mới là kênh chính thức của Tiến sỹ. Tuy nhiên, chính video này cũng khẳng định là các kênh được cho là giả mạo cũng gắn giỏ hàng của TS An. Khi xem video này, người tiêu dùng lại một lần nữa lọt vào mê hồn trận và càng không biết thật giả ở đâu mà lần.
Hơn 20 kênh tiktok và người tiêu dùng không rõ kênh nào mới là kênh do ông An trực tiếp quản lý. Điều đáng nói, các kênh tiktok đều dùng ‘chung một bài’ để thu hút sự chú ý và lòng tin của người tiêu dùng, đó là đăng tải các video clip có mặt ông An. Nội dung video thì vẫn mô típ quảng cáo thực phẩm chức năng có cực kỳ nhiều công dụng thiên về chữa bệnh.
Trước hàng loạt câu hỏi của người tiêu dùng về hệ sinh thái kênh TikTok liên quan đến hình ảnh của Tiến sĩ TS Lê Ngọc An Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội; PV Tiếp thị & Gia đình đã liên hệ với Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội để tìm hiểu; tuy nhiên không rõ vì lí do gì, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía nhà trường.
Động thái này cho thấy, liệu có sự bao che hay né tránh công luận nào hay không? Câu trả lời cho câu hỏi của hàng ngàn khách hàng về lai lịch của người nhận là Tiến sỹ Lê Ngọc An xin được dành cho Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Chuyên gia tiết lộ chiến lược quảng cáo trên mạng xã hội an toàn và hiệu quả, giúp doanh nghiệp 'đánh đâu trúng đó'
- Người nổi tiếng sắp hết thời 'nói bừa' khi quảng cáo mỹ phẩm hoặc thực phẩm
- Quảng cáo 'rác' qua tin nhắn, cuộc gọi sắp hết thời 'được nước làm càn'
- Quảng cáo 'rác' qua tin nhắn, cuộc gọi sắp hết thời 'được nước làm càn'
- Luật Quảng cáo sửa đổi được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành quảng cáo
- Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam: Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam 2024, khuyến khích sáng tạo đột phá, tẩy chay quảng cáo sai sự thật
- Đề xuất siết chặt quảng cáo trên các sàn TMĐT, gian thương sắp hết thời kiếm bội tiền từ quảng cáo 'láo'
- Đã đến lúc xóa bỏ quy định quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo
- Người nổi tiếng có thể chỉ được quảng cáo sản phẩm đã trực tiếp sử dụng