Quảng cáo có tác động mạnh mẽ đến hành vi mua sắm: Chuyên gia chỉ cách giúp người tiêu dùng bảo vệ túi tiền
Bằng những quảng cáo ấn tượng và các chiêu trò tiếp thị đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng, nhiều thương hiệu đã thành công 'rút ví' người dùng. Trong nền kinh tế tiêu dùng hiện tại, người dùng cần làm gì để bảo vệ "túi tiền" của mình trước những tác động mạnh mẽ của quảng cáo?
Quảng cáo ảnh hưởng đến hành vi mua sắm
Theo TS. Nguyễn Hải Minh - Giám đốc Wisdom Agency, Ủy viên Ban chấp hành và Trưởng ban Đào tạo - Công nghệ tại Hội quảng cáo TP HCM (HAA), quảng cáo có tác động mạnh mẽ đến hành vi của người tiêu dùng. Đầu tiên, ở khía cạnh nhận thức, quảng cáo giúp người tiêu dùng xác định và nhận diện các sản phẩm hoặc thương hiệu mà họ quan tâm. Khi nhu cầu của họ đã rõ ràng, quảng cáo cung cấp thông tin về lợi ích và đặc điểm của sản phẩm, từ đó giúp họ đưa ra quyết định mua hàng dễ dàng hơn.
Ở khía cạnh tiềm thức, người tiêu dùng có thể hình thành những cảm nhận và suy nghĩ liên quan đến sản phẩm, thương hiệu thông qua quảng cáo. Đồng thời, quảng cáo còn có khả năng tạo ra nhu cầu mới, khơi gợi sự quan tâm đến những sản phẩm mà người tiêu dùng chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Thông qua quảng cáo, người tiêu dùng còn có thể nhận diện được giá trị của các sản phẩm, thương hiệu là “cao cấp”, “thiên nhiên”, “tốt cho sức khỏe”… ngay cả khi những yếu tố này không được nêu rõ trong thông điệp quảng cáo.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng đang có những thay đổi rõ rệt trong các tương tác với quảng cáo. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng đến cách thức quyết định mua hàng ở người tiêu dùng.
Đơn cử, đối với sản phẩm có giá trị thấp như thực phẩm hay dụng cụ gia đình, người tiêu dùng ngày nay đưa ra quyết định nhanh chóng và thường xuyên hơn trước, nhờ tính tiện lợi và khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng. Ngược lại, với những sản phẩm có giá trị cao như bất động sản, xe cộ hay thiết bị công nghệ, họ lại có xu hướng tìm hiểu kỹ lưỡng hơn trước nhiều lần, tham khảo nhiều nguồn thông tin trước khi quyết định.

Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ túi tiền?
“Để có thể ra quyết định đúng đắn trong giai đoạn nền kinh tế tiêu dùng như hiện tại, tất cả người tiêu dùng đều phải là những người tiêu dùng thông minh, tức là có chính kiến riêng và chỉ thu nhận quảng cáo bằng những thông tin ở dạng nhận thức, chứ không phải ở dạng tiềm thức”, TS. Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.
Theo đó, thay vì dành nhiều thời gian xem nội dung ngắn để giải trí, người tiêu dùng nên xem những nội dung có trọng tâm và kiểm soát thói quen lướt trang của mình để tránh nhận quá nhiều thông tin không thực sự hữu ích, những dạng thông tin có thể dẫn đến hành vi mua hàng thiếu kiểm soát.
Không chỉ những mặt hàng có giá trị lớn, người tiêu dùng cũng cần tập thói quen tham khảo thông tin đa chiều trước khi ra quyết định mua bất kỳ mặt hàng gì dù là nhỏ hay lớn để đảm bảo nhu cầu mua sắm là thực cần thiết.
Một bước quan trọng khác là xem xét kỹ lưỡng thông tin trên bao bì sản phẩm. Đừng để những câu từ quảng cáo hấp dẫn đánh lừa. Hãy đọc thành phần, hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ về sản phẩm mà bạn định mua.
Ngoài ra, việc tự hỏi về nhu cầu của bản thân cũng rất cần thiết. Rất nhiều quảng cáo tác động đến tiềm thức, tạo ra những nhu cầu không thật sự cần thiết. Chúng ta cần tự kiểm tra lại động cơ mua sắm của mình để đảm bảo rằng quyết định ấy xuất phát từ nhu cầu thực sự, không phải từ sự cám dỗ của quảng cáo.
Cuối cùng, người tiêu dùng cần tập thói quen làm bạn với tiền, tránh vung tiền vào những nhu cầu không cần thiết một cách vô thức.
"Bằng cách áp dụng những nguyên tắc này, người tiêu dùng không chỉ bảo vệ được túi tiền của mình trước những tác động mạnh mẽ của quảng cáo mà còn nâng cao ý thức và trách nhiệm trong hành vi tiêu dùng. Hãy là những người tiêu dùng chủ động, biết cân nhắc và tự tin trong mọi quyết định của mình", TS. Nguyễn Hải Minh khuyến nghị.