Thứ sáu, 21/02/2025
logo
Tiêu điểm

Dạy thêm, học thêm sẽ ra sao khi chính thức vào khuôn khổ pháp lý?

VIÊN VIÊN Thứ tư, 19/02/2025, 08:21 (GMT+7)

Phóng viên Tạp chí Tiếp thị và Gia đình đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, Giáo viên Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), về tác động của việc dạy thêm, học thêm chính thức vào khuôn khổ pháp lý.

Tháng 2/2025: Chính thức áp dụng chính sách mới quan trọng về dạy thêm, học thêm

Giáo viên mong muốn dạy thêm online, thủ tục xin phép thế nào?

Quy định mới về dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường thay đổi từ 2025, giáo viên, phụ huynh, học sinh không thể bỏ qua

Thông tư 29 về quy định dạy thêm – học thêm vừa được ban hành đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh. Quy định này không chỉ tác động đến hoạt động giảng dạy trong nhà trường mà còn đặt ra nhiều vấn đề về quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên trong việc dạy thêm – học thêm.

Để hiểu rõ hơn về tác động của thông tư này cũng như những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh mới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo – Giáo viên Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy.

Thưa Tiến sĩ Huyền Thảo là một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ đánh giá thế nào về Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Đây có phải là thông tư cấm hoạt động dạy thêm học thêm không?

Theo tôi Thông tư 29/2024 không phải là quy định cấm dạy thêm, học thêm, mà thực chất là đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp lý, giúp giáo viên có thể dạy thêm một cách hợp pháp, giống như các ngành nghề khác. Giáo viên vẫn có thể dạy thêm, nhưng cần tuân thủ các quy trình, thủ tục theo đúng quy định về cơ chế, chính sách dành cho công chức, viên chức.

Nếu đọc kỹ văn bản, có thể thấy quy định này yêu cầu giáo viên đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết, như có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động hợp pháp. Hiện nay, nhiều giáo viên đã hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh và được cấp phép, chứng tỏ việc tuân thủ quy định này không quá khó khăn. Vấn đề đặt ra là đảm bảo dạy thêm đúng pháp luật, minh bạch, thay vì hoạt động tự phát như trước đây.

1w-1830
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, Giáo viên Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). 

Thưa Tiến sĩ, việc giáo viên ép học sinh đi học thêm đã từng là vấn đề gây tranh cãi trong giáo dục. Vậy theo bà, quy định mới có giúp giải quyết những tiêu cực này không?

Chắc chắn là có. Trước đây, có tình trạng giáo viên ép học sinh phải học thêm, gây áp lực tâm lý và tài chính cho phụ huynh. Nay, quy định mới đảm bảo rằng học sinh có quyền lựa chọn, giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của lớp mình đang giảng dạy. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của người học, tạo ra một môi trường giáo dục công bằng và minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, Thông tư 29 không cấm dạy thêm, mà chỉ yêu cầu giáo viên tuân thủ các thủ tục pháp lý và quy chuẩn nhất định. Trước đây, nhiều thầy cô dạy thêm theo kiểu tự phát, không có sự giám sát, đôi khi gây ra những hệ lụy tiêu cực. Giờ đây, khi đưa hoạt động này vào khuôn khổ, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Nếu giáo viên có đủ điều kiện, họ vẫn có thể mở lớp dạy thêm hợp pháp, đảm bảo chất lượng giảng dạy và quyền lợi của cả hai bên và đóng thuế đúng quy định pháp luật.

Quan trọng nhất là cách nhìn nhận vấn đề. Nếu xem đây là một quy định để làm sạch nền giáo dục, nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch, thì chúng ta sẽ thấy nó hợp lý. Ngược lại, nếu chỉ tập trung vào những khó khăn ban đầu khi thay đổi, chúng ta có thể cảm thấy bị gò bó hoặc mất quyền lợi. Nhưng thực tế, điều này giúp xây dựng một nền giáo dục công bằng, giảm bớt tiêu cực, và đảm bảo quyền lợi của cả người dạy lẫn người học.

Quan điểm của Tiến sĩ về quyền lợi của người dạy và người học sẽ như thế nào thông qua thông tư này?

Nếu nhìn một cách tích cực, quy định này giúp hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào quy chuẩn, có đầy đủ điều kiện pháp lý, đảm bảo quyền lợi của học sinh cũng như chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Trước đây, nhiều học sinh phải học thêm tại nhà giáo viên trong điều kiện chật chội, thiếu thốn. Nay, nếu giáo viên muốn dạy thêm, họ cần đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, giống như khi mở một doanh nghiệp hay công ty cũng cần giấy phép và tuân thủ quy định. Điều này không phải là cấm đoán, mà nhằm đảm bảo hoạt động dạy thêm diễn ra minh bạch, công khai, tránh tình trạng làm chui, thiếu kiểm soát như trước đây. Giống như quan điểm của Bộ Giáo dục là quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm.

Ngoài ra, khi được tổ chức bài bản tại các trung tâm hoặc cơ sở có phép, giáo viên có chuyên môn tốt, uy tín sẽ tự xây dựng được thương hiệu, thu hút học sinh nhờ chất lượng giảng dạy thực sự. Điều này cũng giúp loại bỏ những trường hợp thiếu minh bạch, làm giảm tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Tiến sĩ, thông tư mới có tác động như thế nào đến hệ thống giáo dục, đặc biệt là chất lượng dạy và học trong các trường công lập?

Thông tư này chắc chắn sẽ có tác động lớn đến hệ thống giáo dục, cả về mặt quản lý lẫn chất lượng giảng dạy. Đối với các trường công lập, ban giám hiệu sẽ phải giám sát chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, đảm bảo giáo viên thực hiện đúng quy định. Điều này giúp minh bạch hóa quá trình giảng dạy, tránh tình trạng "lách luật" hay lợi dụng học sinh để trục lợi.

Về chất lượng giáo dục, khi hoạt động dạy thêm trở nên chuyên nghiệp, giáo viên có uy tín và năng lực sẽ có điều kiện để phát triển, nâng cao chất lượng giảng dạy. Thay vì dạy thêm một cách tự phát, giáo viên sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, từ đó mang lại lợi ích cho học sinh. Đồng thời, điều này cũng giúp phụ huynh và học sinh yên tâm hơn khi lựa chọn lớp học thêm phù hợp, tránh tình trạng học thêm tràn lan mà không thực sự hiệu quả.

Nhìn chung, thay vì xem đây là một sự cấm đoán, chúng ta nên nhìn nhận Thông tư 29 như một bước tiến giúp giáo dục trở nên minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi của cả giáo viên lẫn học sinh, và nâng cao chất lượng giảng dạy trong hệ thống trường học.

z6329637934717_5d579e5c2d6d9d01725e8e7fdf49beb2-1831
Tiến sĩ Huyền Thảo là người luôn tiên phong trong việc dạy học sinh phương pháp tự học và ứng dụng công nghệ vào việc dạy và học. 

Vậy theo Tiến sĩ sau thông tư này tình trạng giáo viên ép buộc học sinh học thêm có còn tồn tại không?

Hiện nay, học sinh có nhu cầu học thêm có thể tự do lựa chọn, nhưng giáo viên không được dạy thêm chính học trò của mình. Quy định này giúp hạn chế tình trạng ép buộc, đồng thời nâng cao tính công bằng trong giáo dục. Việc đưa dạy thêm vào khuôn khổ pháp lý cũng đồng nghĩa với việc giáo viên phải tuân thủ các quy định và thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh những tiêu cực phát sinh.

Dù có hay không có lớp học thêm, chất lượng giảng dạy trong trường công lập vẫn phụ thuộc vào tâm huyết của giáo viên. Một người thầy có trách nhiệm và đam mê với nghề sẽ luôn tận tâm truyền đạt kiến thức cho học sinh, chứ không phải dựa vào việc dạy thêm để quyết định chất lượng giảng dạy.

Làm thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục mà không cần đến việc dạy thêm? Hiện tại có giải pháp nào thay thế không?

Thực tế, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp để giảm bớt việc học thêm và tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh. Bộ Giáo dục đã có chủ trương xây dựng hệ thống học liệu số, phát triển các nền tảng học tập trực tuyến để hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa được triển khai một cách toàn diện và hiệu quả.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là thời lượng học tập trên lớp chưa đủ để học sinh tiếp thu hết kiến thức, đặc biệt là với các môn Khoa học Tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Nếu học sinh bị hổng kiến thức cơ bản, rất khó để theo kịp chương trình. Trong khi đó, các môn Xã hội có thể bổ sung bằng việc đọc thêm sách, nhưng với các môn tự nhiên, việc luyện tập thường xuyên là rất quan trọng.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần đẩy mạnh các hình thức học trực tuyến, xây dựng hệ thống video hướng dẫn chi tiết giúp học sinh hiểu từng bước giải bài. Công nghệ AI cũng có thể hỗ trợ giảng bài, giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là tạo điều kiện để học sinh có thời gian luyện tập và được hướng dẫn một cách bài bản.

Ở một số trường, như Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, giáo viên đã áp dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường khả năng tự học của học sinh. Nếu được triển khai rộng rãi, đây sẽ là một giải pháp hiệu quả để giảm bớt tình trạng học thêm mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Huyền Thảo đã dành thời gian quý báu để chia sẻ những kiến thức và quan điểm sâu sắc về Thông tư 29/2024 liên quan đến việc dạy thêm, học thêm.

Những thông tin và phân tích của Tiến sĩ không chỉ giúp đọc giả hiểu rõ hơn về các quy định mới mà còn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp giá trị từ Tiến sĩ trong những chủ đề giáo dục khác trong tương lai.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục