Thứ bảy, 22/02/2025
logo
Góc nhìn

Tùy tiện trưng dụng của công để quảng cáo: Xử lý thế nào với vi phạm phổ biến của tiểu thương?

Hồng Phúc Thứ ba, 18/02/2025, 12:31 (GMT+7)

Trên nhiều con phố, nhiều biển quảng cáo tự phát vẫn ngang nhiên tồn tại nhờ việc 'trưng dụng' các tài sản công, bất chấp các chế tài đã được pháp luật quy định.

Hà Nội nhiều năm không có biển quảng cáo nào được xây dựng mới, vì sao?

Cận cảnh những biển quảng cáo trăm tuổi ở Hà Nội

Thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội không ít lần ra quân bóc xóa, tháo gỡ các biển quảng cáo dán sai quy định. Tuy nhiên, nỗ lực chấn chỉnh mỹ quan đô thị của thành phố cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Sau nhiều lần ra quân, tình trạng vi phạm về quảng cáo trên địa bàn Hà Nội vẫn "mọc lên như nấm sau mưa".

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều con phố trên địa bàn Hà Nội, tất cả những gì bên đường như: cây xanh, cột điện, trạm biến áp, tủ điện, thậm chí biển chỉ dẫn giao thông... vẫn được nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh tùy tiện "trưng dụng" để treo hàng loạt biển quảng cáo, banner quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Không chỉ cây xanh, cột đèn chiếu sáng, cột điện bị “trưng dụng” làm nơi treo biển quảng cáo, các biển báo giao thông cũng chịu chung số phận. (Ảnh: Hồng Phúc)
Không chỉ cây xanh, cột đèn chiếu sáng, cột điện bị “trưng dụng” làm nơi treo biển quảng cáo, các biển báo giao thông cũng chịu chung số phận. (Ảnh: Hồng Phúc)

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII) phân tích: “Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ một bộ phận người dân, doanh nghiệp cố tình vi phạm dù biết là sai luật. Một nguyên nhân khác là do lực lượng mỏng nên chính quyền các địa phương không xử lý được các đối tượng lợi dụng lúc vắng, vào ban đêm hoặc ngày nghỉ để thực hiện hành vi dán, treo quảng cáo không phép này”.

Cũng theo PGS. TS Bùi Thị An: “Để giải quyết tình trạng vi phạm quảng cáo này, các địa phương chủ yếu chỉ giải quyết ở phần ngọn với các chiến dịch ra quân bóc, tháo, dỡ thay vì ngăn chặn từ đầu. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta đã có những quy định và chế tàu rõ ràng và cụ thể đối với các hành vi quảng cáo trái phép như Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017; Quy định số 94/2009/QĐ-UBND TP. Hà Nội; Nghị định 38/2021/NĐ-CP và điều này cần phải được đưa vào áp dụng thực tiễn hơn”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, hành vi treo, gắn bảng hiệu quảng cáo trên cột đèn, cây xanh, cột điện bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo 2012 về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. 

Hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt".

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Bên cạnh đó căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục