Quảng cáo lĩnh vực y tế: “Đúng pháp luật, nói sự thật”
Quảng cáo sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người cần dựa trên tính hợp pháp, trung thực, tận tâm và không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Trong năm 2023, Sở Y tế TP.HCM đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y tế. Theo thông tin, những sai phạm như hoạt động không có giấy phép, làm giả giấy tờ, bán thuốc giả, kém chất lượng… đang xuất hiện nhiều ở một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực quảng cáo, không ít tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…
Hành vi gian dối trong dịch vụ sức khỏe có thể bị xử phạt hình sự
Ông Lê Thanh Lâm, Thạc sĩ Luật - Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, cho hay, các hành vi vi phạm trong quảng cáo dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ bị xử lý hành chính hoặc có thể xử phạt hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Hành vi lừa dối khách hàng
Hành vi sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 triệu đến 30 triệu VND theo khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Đối với hành vi giả mạo, mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế, sử dụng hình ảnh ngành y, thuê “diễn viên” để đóng vai bác sĩ, y tá làm clip quảng cáo để bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ thành phần sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, nếu các “bác sĩ” có hành vi bán thuốc giả, kém chất lượng, không có tác dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội có thể phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
Trong quá trình “hành nghề”, nếu các “bác sĩ” có hành vi tư vấn phản khoa học, bán sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc không rõ ràng,... gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng và phạt tù lên đến 15 năm.
Hành vi “thổi phồng” về chất lượng sản phẩm
Các trường hợp cố tình “thổi phồng” công năng của thuốc, khiến người mua nhầm lẫn hoặc mua về sử dụng nhưng hiệu quả không đúng theo quảng cáo... được xem là hành vi quảng cáo sai sự thật. Nhà quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính từ 60 triệu đến 80 triệu đồng, theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Nếu các cá nhân, tổ chức đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi quảng cáo sai sự thật vẫn tiếp tục tái phạm dù chưa được xóa án tích, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự.
So sánh, cạnh tranh không lành mạnh
Luật Quảng cáo 2012 nghiêm cấm hành vi quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình với sản phẩm, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
Nhà quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính từ 40 triệu đến 60 triệu đồng, theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Những lưu ý khi thực hiện quảng cáo thuộc lĩnh vực y tế
Có đầy đủ giấy tờ hợp pháp
Đối với hoạt động quảng cáo, marketing trong mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp cần có đủ các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền mua bán, sử dụng tài sản.
Theo Quy định tại khoản 30, 31 Điều 1 của Nghị định 18/2023/NĐ-CP, trong các sản phẩm dạng thuốc và thực phẩm chức năng, doanh nghiệp bán hàng và người tham gia bán hàng có trách nhiệm: “Không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh”.
Tuân theo Luật Quảng cáo 2012
Theo ông Lê Thanh Lâm, khi hợp tác với bác sĩ/chuyên gia để quảng cáo sản phẩm thuộc lĩnh vực dược phẩm - y tế, các thương hiệu, doanh nghiệp cần tuân theo quy định của Luật Quảng cáo 2012 cho nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Cụ thể:
-
Chỉ quảng cáo các sản phẩm được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế.
-
Sản phẩm phải có giấy phép lưu hành (đang còn hiệu lực) tại Việt Nam đi kèm tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.
Trong các tài liệu quảng cáo: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh; bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khi thông tin không hợp pháp và chưa được kiểm chứng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngành nghề đối với các bác sĩ/chuyên gia trước khi hợp tác quảng cáo.
- Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam: “Hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành quảng cáo”
- Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt vì các sai phạm trong quảng cáo
- MEDTECH và nhiều cá nhân bị xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực y tế, quảng cáo
- MEDTECH và nhiều cá nhân bị xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực y tế, quảng cáo
- Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt vì các sai phạm trong quảng cáo
- Doanh nghiệp nước ngoài có được tham gia quảng cáo tại Việt Nam?
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam?
- Đêm Gala chung kết, vinh danh Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2023
- Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2023: Tinh hoa ý tưởng - Bừng sáng tạo Việt