Chủ nhật, 10/12/2023, 05:14 (GMT+7)

Doanh nghiệp nước ngoài có được tham gia quảng cáo tại Việt Nam?

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Xin hỏi, hiện tại doanh nghiệp nước ngoài được tham gia quảng cáo tại Việt Nam hay không? Nếu có thì có thể quảng cáo sản phẩm trên những phương tiện nào? - Câu hỏi của anh Lê Văn Minh (Quảng Ninh).

Cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài tham gia quảng cáo tại Việt Nam với Luật gia Phan Xuân Chiến - Phó trưởng Phòng Pháp chế, Công ty Luật TNHH Sen Vàng ngay dưới đây!

- Cá nhân, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài có thể quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam hay không?

Việt Nam luôn có những chính sách và pháp luật tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam. 

doanh-nghiep-qc
Việt Nam luôn có những chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài tham gia quảng cáo trong nước (Ảnh: Freepik)

Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo được quy định tại Điều 3 Luật Quảng cáo 2012 với nội dung: “Mở rộng hợp tác quốc tế về hoạt động quảng cáo”. 

Thêm nữa, tại Điều 39 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định và phân chia về các chủ thể nước ngoài được quảng cáo tại Việt Nam gồm: “ Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam” và “Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam” được quyền quảng cáo. Cụ thể như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện.”

- Điều kiện của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài có thể quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam gồm những gì?

Cá nhân tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và đơn vị kinh doanh quảng cáo Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện tại Điều 20 luật quảng cáo 2012, bao gồm:

“1. Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

3. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;

b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;

c) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;

d) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;

đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;

e) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;

g) Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;

h) Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;

i) Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;

k) Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

5. Chính phủ quy định điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế”.

- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài ở Việt Nam có được phép trực tiếp kinh doanh quảng cáo hay không?

Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam theo khoản 1, 2 và 3 Điều 41 Luật Quảng cáo 2012: “Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam”; “Văn phòng đại diện được hoạt động khi có giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng đại diện”; “Văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo”.

doanh-nghiep-qc 1_11zon
Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam (Ảnh: Freepik)

Theo quy định, đối với các văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài sẽ không được phép kinh doanh trực tiếp hoạt động quảng cáo. Các văn phòng đại diện chỉ được thực hiện hoạt động xúc tiến quảng cáo nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dùng; thúc đẩy sự phát triển của hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp chứ không được trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo. 

Để văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, các doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 về văn phòng đại diện và theo Luật Quảng cáo 2012. Cụ thể các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài cần thực hiện việc đăng ký với UBND cấp tỉnh nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở (khoản 2 Điều 20 Nghị định 181/2013/NĐ-CP). Các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài cũng có thể không được chấp thuận đặt văn phòng đại diện trong trường hợp: có bằng chứng cho thấy việc thành lập Văn phòng đại diện gây phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật (Điều 21 Nghị định 181/2013/NĐ-CP). 

Bởi vậy, để hoạt động hợp pháp tại Việt Nam thì các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài cần thực hiện việc đăng ký văn phòng đại diện đối với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, đồng thời chỉ được thực hiện hoạt động xúc tiến quảng cáo chứ không được trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo. 

- Cá nhân, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài có thể quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam trên phương tiện nào?

Luật Quảng cáo 2012 không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp nước ngoài có thể quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam trên những phương tiện nào. Tuy nhiên, về bản chất quy định của hoạt động quảng cáo như sau:

Điều 17 Luật Quảng cáo 2012 quy định về các phương tiện quảng cáo bao gồm: “Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác. Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác. Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.Phương tiện giao thông. Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật”.

Việc thực hiện quảng cáo trên các phương tiện được pháp luật cho phép cần phải đảm bảo quy định về Chữ viết trong hoạt động quảng cáo tại  Điều 18 Luật Quảng cáo 2012. 

Cùng chuyên mục