Những sai lầm cần tránh khi bày mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả thể hiện nguyện ước đầu năm của gia chủ nên khi bày mâm ngũ quả cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản để khởi đầu năm mới với nhiều may mắn.
1. Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có năm loại trái cây với năm màu sắc khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt, là một phần không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách bên cạnh bánh chưng, mứt Tết,.... Qua mỗi năm, mâm ngũ quả lại có những thay đổi, mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh, song không vì thế mà làm phai nhạt đi phong tục truyền thống này.
Ngoài dịp Tết Nguyên Đán, mâm ngũ quả còn được bày vào các dịp lễ hay công việc quan trọng khác như Tết trung thu, ngày khai trương, đám cưới, đám hỏi, lễ cúng động thổ, cúng sao giải hạn,...
Ngũ (五)
Ngũ trong chữ Nho có nghĩa là 5, biểu tượng chung của sự sống. Ngũ trong mâm ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng.
Trong sách Chiêm thư, để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm, người ta thường nhìn vào ngũ quả. Theo thời gian, sự xác tín biến thành tập tục, “ngũ quả” có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân.
Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Quả
Quả là biểu tượng cho sự sung túc, có ý nghĩa sinh sôi, trường tồn, tái sinh bất tận của sự sống.
Tùy theo hình dáng, cấu tạo, màu sắc và hương vị mà mỗi loại quả sẽ có những ý nghĩa riêng:
Quả bưởi, dưa hấu: Căng tròn, thể hiện sự đủ đầy, may mắn.
Trái hồng, quýt: Sắc đỏ cam rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn và thành đạt.
Trái lê: Làm việc gì cũng suôn sẻ, thuận lợi.
Trái lựu: Ý nghĩa cầu mong gia đình sung túc, sum vầy, con đàn cháu đống
Trái đào: Tượng trưng cho sự thăng tiến.
Trái táo (táo đỏ): tượng trưng cho sự yên bình và hòa hợp, màu đỏ của táo còn mang ý nghĩa tốt lành.
Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ và biểu trưng cho sự cát tường, thịnh vượng. Theo quan niệm người dân, nếu được rồng ghé thăm nhà thì vào đầu năm thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc.
Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, với cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.
Sung: Thể hiện mong muốn sung túc trong mọi mặt như sức khỏe, công việc, tình yêu,...
Đu đủ: Mang đến sự đầy đủ, phồn thịnh.
Xoài: Có âm na ná như là “xài” nếu đọc theo kiểu miền Tây, cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.
2. Lưu ý khi chọn trái cây để bày mâm ngũ quả
Lưu ý chung khi chọn trái cây bày mâm ngũ quả
-
Chọn quả mới chín tới để vẫn có màu sắc tươi và bày được lâu, không nên chọn quả chín vì sẽ nhanh hỏng trong khoảng 5 ngày đến 1 tuần trong Tết.
-
Chọn quả chắc tay, không bị dập, trầy xước, còn cuống và lá.
-
Không nên lựa chọn những loại quả có các hương vị như: đắng, cay, chát như: khổ qua, ớt…để thắp hương trên bàn thờ. Những loại quả này sẽ khiến người ta liên tưởng đến những thăng trầm cay, đắng trong cuộc sống.
Lưu ý khi chọn từng loại trái cây cho mâm ngũ quả
Cách chọn cam, bưởi cho mâm ngũ quả
- Khi chọn cam, bưởi để cúng thì không nên chọn những quả gãy cuống, hình dáng không cân đối, có vết đốm, trầy xước. Nên chọn những quả có hình dáng tròn đều, cân đối, da bóng, không đốm, không vết sẹo.
- Nên chọn những quả chín vàng đều trái, tránh chọn những quả chín ửng không đều vì chúng có khả năng đã bị chín ép.
- Cuống cam, bưởi nên cắt dài khoảng 0,5-1cm, không nên để quá dài hay quá ngắn.
Cách chọn chuối cho mâm ngũ quả
Chọn nải chuối xanh bày mâm ngũ quả nên chọn nải có màu xanh đậm, quả căng bóng, cong đều. Không nên chọn những nải có màu xanh nhạt, có quả mềm, dập nát.
Theo quan niệm của người xưa, nên chọn nải chuối có số quả lẻ sẽ mang lại may mắn hơn số quả chẵn.
Cách chọn dưa hấu cho mâm ngũ quả
Chọn dưa hấu Tết, không nên chọn quả cuống nhỏ vì đó là những quả đã chín khá lâu, không còn tươi. Để lâu sẽ bị đổ ruột.
Nên chọn dưa hấu có núm dưa tròn đều, hơi lõm; vỏ căng tròn, sọc đen nổi rõ; phần bên dưới càng bé, càng lõm sâu thì dưa càng ngọt.
Khi chọn dưa, bạn có thể búng vào thân dưa sẽ có tiếng trầm chắc nịch.
Cách chọn xoài, mãng cầu, đu đủ, hồng cho mâm ngũ quả
Đây đều là những loại quả dễ chín, khi chọn những loại quả này để cúng thì nên chọn những quả còn xanh để tránh nhanh bị hỏng, thối.
Nếu chọn quả chín sẽ rất ảnh hưởng đến mâm ngũ quả, bởi chỉ chưng được 2 – 3 ngày thì mâm ngũ quả sẽ không đẹp mắt.
3. Bí quyết để giữ trái cây tươi lâu để bày mâm ngũ quả
Giữ tươi cho cam, bưởi, quýt bằng vôi
Nên cắt bớt cuống cho quả cam, bưởi, quýt khoảng 0.5 – 1cm.
Lấy một ít vôi pha loãng cùng với nước, sau đó bôi lên phần cuống của các loại quả này sẽ khiến chúng được tươi hơn, không bị rụng cuống trong suốt những ngày Tết.
Làm tươi quả lê, táo với nước cốt chanh
Không nên rửa sạch trái cây với nước vì dễ làm chúng nhanh hỏng hơn. Sau khi mua về, bạn chỉ cần dùng khăn giấy ướt hoặc khăn khô lau qua.
Trong quá trình lau các loại quả này, bạn có thể thấm giấy hoặc khăn vào nước cốt chanh làm ướt phần vỏ của 2 loại quả này.
Dùng muối để giữ dưa hấu tươi lâu
Dưa hấu rất khó để biết chúng đang ở độ chín như thế nào. Để khắc phục bạn có thể dùng một ít muối pha loãng với 2 - 3 lít nước. Sau đó, ngâm quả dưa hấu trong dung dịch nước muối khoảng 30 phút. Điều này sẽ giúp dưa hấu được tươi lâu hơn, không bị đổ ruột do chín quá.
4. Những sai lầm cần tránh trong cách bày và trang trí mâm ngũ quả
Hiểu sai về ý nghĩa mâm ngũ quả, ý nghĩa từng loại quả
Mâm ngũ quả mang ý nghĩa theo thuyết Ngũ hành của phương đông. Vì thế khi trang trí mâm ngũ quả bạn nên bày đủ 5 màu ngũ hành, tránh chọn các loại trái cây không có ý nghĩa hoặc không đủ 5 màu của ngũ hành.
Kim – màu trắng ( Dưa lê trắng, lê trắng,…); Mộc – màu xanh lá (Dưa hấu, chuối xanh, xoài xanh, đu đủ xanh, mãng cầu, trái na, trái sung, trái dừa,…); Thủy – màu đen (Nho đen, vú sữa hay những trái cây có màu sẫm, tối); Hỏa – màu đỏ (Táo đỏ, trái hồng, trái dừa lửa, thanh long,…); Thổ – màu vàng (Cam vàng, quýt vàng, dưa hấu vàng, dưa lê vàng, xoài chín, phật thủ,...).
Rửa quả cho sạch để bày
Để trái cây bóng loáng, nhiều người thường đem trái cây đi rửa sạch nhiều lần với nước, tuy nhiên điều này sẽ làm cho trái cây bị héo nhanh, không trưng được lâu.
Bạn chỉ cần dùng giấy ướt lau sạch vỏ ngoài của trái cây, sau đó phết một lớp dầu ăn thật mỏng lên để tạo lớp vỏ bóng loáng cực kỳ đẹp mắt.
Sai lầm khi chưng quá 5 quả
Không nên bày quá nhiều các loại hoa quả, và trên mâm ngũ quả thì chỉ bày quả chứ không nên đặt thêm hoa hoặc bất cứ thực phẩm nào khác.
Bày quả đã chín già
Hoa quả đã chín thường có màu rất đẹp, nên nhiều người thường chọn chúng để bày mâm ngũ quả. Nhưng nếu chọn quả đã chín thì chúng dễ bị hỏng trong thời gian từ 5 ngày 1 tuần trong Tết. Ngoài ra, sức nóng của nhang khi thắp sẽ khiến những loại quả này nhanh hỏng.
Bày quả có gai, nặng mùi
Trên mâm ngũ quả ngày Tết, cần phải tránh những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa…không nên để những gì quá nặng mùi hay sắc nhọn lên bàn thờ vì đây là nơi thiêng liêng.