Thứ tư, 19/07/2023, 10:19 (GMT+7)

Nhà báo Đỗ Quý Doãn: Dấu ấn 25 năm là hành trình đáng tự hào của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình

Thùy Dương (Theo Tiếp thị & Gia đình)

25 năm – một hành trình tự hào và nhiều dấu ấn của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình trong đời sống báo chí Việt Nam. Với những thế hệ đầu tiên khai sinh ra Tạp chí, sẽ có rất nhiều cảm xúc, sự bồi hồi, tự hào, xúc động và với Nhà báo – Nhà thơ Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin thì những cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.

 Phóng viên Tạp chí Tiếp thị & Gia đình đã có buổi trò chuyện với ông Đỗ Quý Doãn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, người ký quyết định ra đời Tạp chí Tiếp thị & Gia đình trong thời điểm đặc biệt này.

- Với rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý báo chí, từng ký giấy phép khai sinh ra nhiều tờ báo/tạp chí tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về quyết định ký giấy phép ra đời Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vào năm 1998?

Nhà báo – Nhà thơ Đỗ Quý Doãn: Sự ra đời của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình phù hợp với thời điểm và bối cảnh giai đoạn đó. Loại hình Tạp chí lúc đó đang rất phát triển, phát triển bởi nhu cầu của công chúng, nhu cầu của xã hội cũng như xu hướng chung của thị trường trong nước và thế giới. Hội tụ đầy đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thuở sơ khai từ những bản tin, Tạp chí Tiếp thị & Gia đình hoạt động và gặt hái được những dấu ấn nhất định. Quá trình thử nghiệm ấn phẩm này có những điều mới mẻ, đó là phong cách làm báo hiện đại từ công nghệ, các thể hiện, thiết kế… điều đó rất cần để tạo ra xu thế trong hoạt động báo chí. Tất cả đã làm cho cơ quan quản lý cảm thấy yên tâm. Vì vậy, xét hội đủ các điều kiện, theo quy định của pháp luật và phù hợp với nhu cầu chung, Bộ Văn hóa – Thông tin đồng ý để Tạp chí Tiếp thị & Gia đình ra mắt công chúng.  

- Trên phương diện cấp quản lý Nhà nước, ông đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng và vai trò của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình trong đời sống báo chí Việt Nam?

Nói một cách công bằng, mỗi tờ báo đều có tôn chỉ, mục đích riêng, có chức năng, nhiệm vụ riêng, có đối tượng phục vụ riêng. Ở thời điểm đó, Tạp chí Tiếp thị & Gia đình được công chúng đón nhận, có số lượng phát hành lớn. Về nội dung, Tạp chí là sự kết hợp đa dạng thông tin, không phải là tờ tạp chí chuyên về nghiên cứu – lý luận, nhưng cũng không thuần túy là giải trí hay tính thương mại hoàn toàn. Sự kết hợp ấy giúp Tạp chí Tiếp thị & Gia đình để vừa giữ được chức năng – nhiệm vụ riêng nhưng đồng thời không bị cuốn vào sự nặng nề khiến công chúng khó tiếp nhận. Tạp chí này đã làm được nhiều điều, hình ảnh thiết kế đẹp, trình bày bìa sáng sủa, chất liệu in ấn chất lượng, bài viết cô đọng, lột tả được những vấn đề muốn truyền tải đến bạn đọc và nhờ đó Tạp chí được công chúng đón nhận.

nh 1
Nhà báo – Nhà thơ Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (Ảnh: NVCC)

-Trong bối cảnh lĩnh vực báo chí xoay chuyển không ngừng theo sự thay đổi của thời cuộc. Với vai trò là một nhà lãnh đạo quản lý về công tác báo chí, theo ông làm cách nào để những tờ báo/tạp chí đời đầu như Tạp chí Tiếp thị & Gia đình giữ được chỗ đứng?

Chưa bao giờ làm báo khó như bây giờ, làm tạp chí càng khó hơn. Làm thế nào để có thể tồn tại được trong bối cảnh bùng nổ truyền thông xã hội như hiện nay không hề đơn giản chút nào. Để Tạp chí lại được công chúng đón nhận hay đơn giản “sống” được là điều rất khó. Đây là xu thế phát triển, một vấn đề rất mới không chỉ những người làm báo, không chỉ những cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí mà cả cơ quan cấp chiến lược quản lý như Bộ Thông tin – Truyền thông hoặc cơ quan của Đảng như Ban Tuyên giáo Trung ương hay hội nghề nghiệp như Hội nhà báo Việt Nam cần có hội thảo sâu để phân tích, để đưa ra được mô hình phù hợp, cách viết phù hợp, quản lý phù hợp để rèn luyện tính chủ động của người làm báo và nhất là báo in. Thứ hai là để các ấn phẩm báo chí phát hành được, được công chúng đón nhận. Đào tạo đội ngũ làm báo có kỹ năng làm báo hiện đại. Có như vậy, Tạp chí mới tồn tại và phát triển được. Tôi nhớ cách đây 15 - 20 năm, có hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều quốc gia như Thụy Điển, Pháp, Bỉ… làm ở Nha Trang. Tôi đã tham dự với vai trò Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đồng thời tôi đang làm dự án đào tạo báo chí do Thụy Điển tài trợ. Có bạn hỏi tôi “Theo ông, ông đánh giá xu hướng phát triển báo chí đến năm 2005 liệu báo giấy, báo in có tồn tại hay không?”, rất nhiều chuyên gia các nước bày tỏ dự đoán không thả khi cho sự tồn tại của báo giấy, báo in mà thay thế bằng báo điện tử. Nhưng tôi đã trả lời “Tôi có niềm tin khác là kể cả khi báo điện tử phát triển, kể cả lúc truyền thông xã hội rất phát triển đi chăng nữa, báo in vẫn tồn tại. Lúc đầu sẽ khó khăn những sẽ tồn tại, cùng đồng hành với các loại hình báo chí khác”. Chúng ta cần bình tĩnh xem xét, bàn bạc và cùng đưa ra giải pháp để phù hợp.

- Có thể thấy, ông là bậc tiền nhân trong công tác quản lý báo chí, đồng thời cũng là người có công rất lớn góp phần cho sự ra đời của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình, xin ông có thể cho ý kiến chỉ đạo, lời động viên đến tập thể ban lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Tạp chí?

Tôi là người ký quyết định thành lập, theo dõi Tạp chí ngay cả thời còn làm việc cho đến bây giờ, tôi đánh giá Tạp chí Tiếp thị & Gia đình có đội ngũ mà trong những thời điểm khó khăn hay cần có sự thay đổi, cần có sự đổi mới thì đều rất nhạy bén. Thay đổi hình thức, nội dung cho phù hợp. Tôi mong muốn trong bối cảnh này, Tạp chí Tiếp thị & Gia đình sẽ ghi nhớ những bài học trong quá trình hình thành và phát triển, nhạy bén tìm ra các phương pháp mới, nâng cao trình độ và chuyên môn để giữ vững truyền thống – thành tựu mà tạo ra những hoạt động mới, bài học mới. Hy vọng các thế hệ phóng viên, biên tập viên, cán bộ nhân viên của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình đã làm tốt trong thời gian qua và sẽ tiếp tục phát huy trong giai đoạn sắp tới.

- Nhân dịp Tạp chí Tiếp thị & Gia đình bước vào cánh cửa 25 năm hành trình hình thành và phát triển đáng tự hào, ông có thể gửi lời chúc gì gửi đến Tạp chí Tiếp thị & Gia đình? 

Chặng đường 25 năm không phải là dài so với lịch sử phát triển báo chí nhưng không ngắn với sự phát triển của một cơ quan báo chí. Tôi chúc Tạp chí Tiếp thị & Gia đình luôn luôn đổi mới, luôn luôn nắm bắt được xu thế phát triển mới, luôn luôn giữ vững được tôn chỉ mục đích của mình, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng được nhu cầu của công chúng và bạn đọc.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! Chúc ông thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục đồng hành cùng nền báo chí nước nhà.

 

 

Cùng chuyên mục