Người tiêu dùng đang dần mất niềm tin với Influencer Marketing
Tiếp thị qua người nổi tiếng (Influencer Marketing) đang gặp nhiều trở ngại bởi những lùm xùm từ người nổi tiếng thời gian gần đây.
Xu hướng tiếp thị qua người nổi tiếng (Influencer Marketing)
Lựa chọn người nổi tiếng cho các chiến dịch quảng cáo, các thương hiệu có thể nhận về lượt tương tác cũng như quan tâm đông đảo của khán giả với đa dạng độ tuổi. Bởi người nổi tiếng - hay những người có sức ảnh hưởng nói chung đều có cho mình độ nhận diện cao trong mắt khán giả, tiếng nói trong từng ngành nghề nhất định, cộng với uy tín được người dùng tin tưởng. Chính vì thế, dù có phải bỏ ra một số tiền lớn, chênh lệch với các hình thức khác như seasonal marketing, OOH (quảng cáo ngoài trời) hay nhiều cách thức truyền thống, Influencer Marketing vẫn là một miếng mồi béo bở.
Ở thị trường Việt Nam hiện nay, Influencer (người có sức ảnh hưởng) được chia ra theo nhiều dạng, trong đó nổi bật nhất bao gồm nghệ sĩ/người nổi tiếng - KOL - KOC/reviewer. Với những nghệ sĩ đã và đang hoạt động nghệ thuật, con số chi trả cho mỗi quảng cáo của họ đều rất cao, có thể lên tới hàng trăm triệu. Còn với mỗi KOL/KOC, con số này dao động từ vài triệu cho đến vài chục triệu. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi chỉ với một video hoặc bức hình, các Influencer có thể mang lại doanh thu lớn cho thương hiệu nhờ độ phủ sóng của mình.
Cách thức này có đang bão hoà?
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều Influencer đang dần mất uy tín trong mắt khán giả bởi những lùm xùm liên quan đến đời tư và sự nghiệp. Hà Linh Official - một nữ reviewer có tiếng với nhiều năm trong nghề đã gặp một làn sóng phản ứng dữ dội trước những hình thức quảng cáo gây sốc, ảnh hưởng đến nhiều bên liên quan. Hậu quả của sự việc này chính là hàng loạt đơn hàng mang giá trị lớn được đặt từ livestream vừa qua của Hà Linh đều bị huỷ - một động thái nhằm tẩy chay triệt để Hà Linh.
Ngoài Hà Linh, nhiều food reviewer - những người đánh giá, nhận xét đồ ăn cũng gặp phải câu chuyện tương tự khi thường xuyên lên tiếng chê bai - thậm chí là xúc phạm đến các cửa hàng và món ăn, nhằm câu view “rẻ tiền”. Sự việc này đã được VTV thực hiện nhiều phóng sự chuyên sâu nhằm lên án mạnh mẽ hành vi thiếu hiểu biết và văn hoá của nhiều bạn trẻ hiện nay, bất chấp tất cả để nổi tiếng.
Ngoài ra, không ít reviewer cũng dính phải lùm xùm khi quảng cáo, PR quá đà cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng. Nhằm ngăn chặn điều này, cơ quan chức năng đã chỉ thị nhiều điều khoản và công văn, áp dụng ngay với các mạng xã hội như TikTok, Facebook, khiến nhiều tài khoản “ăn gậy” và biến mất sau một đêm.
Không nằm ngoài dự đoán, người tiêu dùng cũng bắt đầu có cho mình những động thái đầu tiên. Mạnh tay tẩy chay những nội dung bẩn, quảng cáo rác, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình và những người xung quanh, hay thậm chí là lập ra những hội nhóm review chân thực từ chính các chị em, điều này đã thể hiện một phần nào sự thiếu tin tưởng vào những người nổi tiếng hiện nay.
Mặc dù vậy, chắc chắn Influencer Marketing vẫn là một cách tiếp thị thông minh và luôn mang lại thành công bất ngờ. Bởi những nội dung sạch, những nhà sáng tạo đầy chuyên môn và đầu tư vẫn đang từng ngày phát huy khả năng của mình, mang đến những nhận xét, đánh giá công tâm nhất về từng ngành hàng, nhằm mang lại một thị trường sôi động và cạnh tranh lành mạnh.