Thứ sáu, 03/05/2024, 14:09 (GMT+7)

'Mở đường' chấm điểm tín dụng

Ngọc Thu (Theo VietnamFinance)

Theo TS Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, hoạt động chấm điểm tín dụng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và hướng đến an toàn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó chấm điểm tín dụng là 1 trong 3 giải pháp dự kiến được cấp phép thử nghiệm. Việc có khung pháp lý sẽ giúp cho các công ty Fintech cung cấp giải pháp chấm điểm tín dụng có nền tảng phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Thay đổi hành vi tiêu dùng

Chấm điểm tín dụng được giới thiệu tại thị trường Việt Nam từ khoảng năm 2013. Từ năm 2015, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã xây dựng thành công mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau khoảng một thập niên kể từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, chấm điểm tín dụng vẫn là một khái niệm chưa quá phổ biến đối với người dùng trong nước.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, cho biết chấm điểm tín dụng được hiểu một cách rộng rãi là việc đánh giá rủi ro tiềm tàng của đối tượng đi vay theo một thang điểm nhất định. Hoạt động chấm điểm tín dụng sẽ đo lường, định lượng rủi ro tiềm tàng của khách hàng đi vay bằng cách phân tích dữ liệu cá nhân để tìm ra xác suất vỡ nợ của người đi vay trong tương lai. Hoạt động này có thể được hiểu là kỹ thuật khai phá dữ liệu, tìm kiếm các quy luật của dữ liệu lịch sử và áp dụng đưa ra quyết định tín dụng cho khách hàng.

Mỗi tổ chức tài chính thực hiện chấm điểm tín dụng sẽ có các thang điểm tương ứng với mức độ rủi ro khác nhau, đồng thời sử dụng bộ tiêu chí và phương pháp khác nhau. Tại CIC, điểm tín dụng được tính phụ thuộc vào các tiêu chí thông tin định danh; số lượng và loại tài khoản tín dụng (các khoản vay thông thường như vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng…, thẻ tín dụng…); dư nợ và tình trạng tín dụng hiện tại; lịch sử trả nợ; thời gian quan hệ tín dụng; thông tin về tài sản đảm bảo và các thông tin liên quan khác.

Tuy nhiên, việc chấm điểm tín dụng qua CIC gặp phải vướng mắc lớn khi một bộ phận người dân hiện nay chưa từng có quan hệ tín dụng, chưa từng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nên hồ sơ của khách hàng bị bỏ trống trong kho dữ liệu của CIC. Trong khi đó, các công ty Fintech hiện nay không chỉ chấm điểm qua hành vi tín dụng mà còn sử dụng các tiêu chí dựa trên bộ dữ liệu lớn (Big Data) đối với mọi hành vi của khách hàng như dữ liệu mua sắm, dữ liệu thanh toán, dữ liệu lịch sử tín dụng, dữ liệu định danh, dữ liệu hành vi viễn thông…. Nói cách khác, các hành vi tiêu dùng của mỗi cá nhân đều có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu tới điểm tín dụng.

TS Châu Đình Linh cho rằng người dùng phải tôn trọng và giữ gìn các hành vi tiêu dùng của mình để có được điểm tín dụng cao hơn. Điểm tín dụng càng cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, công ty tài chính, công ty Fintech càng lớn, giải quyết được nhiều nhu cầu tài chính của bản thân.

Nhu cầu bức thiết đối với công ty tài chính, Fintech

Chấm điểm tín dụng được coi là công cụ hữu dụng đối với các đơn vị, tổ chức có hoạt động cho vay vốn như ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo TS Châu Đình Linh, mô hình chấm điểm tín dụng là một công cụ giúp cho nhà quản trị biết được khi nào nên cho vay, với số tiền bao nhiêu và cần xây dựng những chiến lược gì để gia tăng lợi nhuận trong khi vẫn quản lý được những rủi ro cho vay.

Việc xây dựng được công cụ chấm điểm tín dụng hiệu quả đem lại nhiều lợi ích cho nhiều tổ chức tín dụng như giảm chi phí phân tích và thẩm định tín dụng, đánh giá xác suất xảy ra không khả năng hoàn trả khoản vay và quyết định tín dụng chính xác hơn, giảm thời gian ra quyết định tín dụng, giảm thiểu nợ xấu và thua lỗ trong hoạt động tín dụng. Ngoài ra, chấm điểm tín dụng còn nhiều lợi ích trực tiếp khác như cải thiện dòng vốn, cải thiện thanh khoản, hiểu rõ hành vi khách hàng, đa dạng hoá sản phẩm tài chính với mức độ rủi ro của khách hàng và xác định khẩu vị rủi ro tín dụng của ngân hàng…

Đối với thị trường cho vay tiêu dùng nói riêng, thị trường này hiện diện đầy đủ các rủi ro tín dụng đi kèm, trong đó cho vay tiêu dùng thường là các món vay nhỏ, không có tài sản đảm bảo nên tính rủi ro rất cao. Theo TS Châu Đình Linh, chấm điểm tín dụng được đánh giá là nhu cầu bức thiết đối với hoạt động cho vay ở các công ty tài chính, các công ty Fintech như P2P Lending.

TS Châu Đình Linh cho rằng, việc thử nghiệm chấm điểm tín dụng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các Fintech là một quyết định đúng đắn nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý phát triển thị trường cho vay tiêu dùng, đặc biệt cho vay ngang hàng của các công ty Fintech. Hoạt động chấm điểm tín dụng sẽ đảm bảo giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và hướng đến an toàn tín dụng; đảm bảo công ty tài chính và công ty Fintech có xác suất tìm kiếm lợi nhuận bền vững hơn.

Tại Việt Nam, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty Fintech đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để chấm điểm tín dụng, nhưng phần lớn đều dựa trên phương pháp truyền thống, chưa áp dụng AI và dữ liệu lớn. Tuy nhiên, TS Châu Đình Linh cho biết xu hướng chuyển đổi sang phương pháp học máy có áp dụng AI và dữ liệu lớn đang dần hình thành ở nhiều ngân hàng và công ty Fintech. Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính vẫn sử dụng điểm tín dụng của CIC như một chỉ số tham khảo quan trọng.

Chọn lọc kỹ càng

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, đặt vấn đề về việc chọn lọc kỹ càng các công ty được phép thử nghiệm chấm điểm tín dụng để tránh việc ra đời quá nhiều các tổ chức xếp hạng tín dụng, vô tình tạo ra sự rối rắm về thông tin trên thị trường.

“Cơ thế thử nghiệm phải đề cập rõ ràng các tiêu chí lựa chọn công ty hoạt động chấm điểm tín dụng. Những tổ chức được chọn để tham gia vào thị trường trong cơ chế thử nghiệm phải có uy tín, có đủ khả năng để hoàn thành trách nhiệm, đảm bảo những vấn đề về rủi ro đạo đức”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.

Tại thị trường Việt Nam, TS Châu Đình Linh cho rằng tổ chức cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng thường được nhắc đến và có lịch sử, có uy tín là CIC. Các dịch vụ của CIC được sử dụng hầu hết ở các ngân hàng, công ty tài chính, kể cả công ty Fintech, do đó thị phần gần như chiếm tuyệt đối. Riêng các tổ chức tín dụng là ngân hàng cũng đã phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng riêng để phục vụ quyết định tín dụng chính xác hơn và phù hợp với đặc thù riêng của ngành.

TS Châu Đình Linh đánh giá hoạt động chấm điểm tín dụng tại Việt Nam đang có những bước phát triển trong phương pháp, mô hình và sử dụng công nghệ như AI, dữ liệu lớn, nhưng để hình thành thị trường với nhiều công ty cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng thì còn rất nhiều thách thức.

Cùng chuyên mục