Thứ hai, 15/04/2024, 11:15 (GMT+7)

Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó, hơn 90% tổng nợ dư là trung và dài hạn.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 mới đây.

Theo báo cáo, giai đoạn 2015-2016, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%. Tuy nhiên, những năm tiếp theo tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản bất ngờ tăng nhanh. 

Năm 2017, tín dụng cho vay bất động sản, xây dựng của hệ thống ngân hàng đạt 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu với bất động sản cũng tăng lên 4,58%. Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay nợ dư đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn tăng cao. 

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Năm 2023, dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng. (Ảnh: M.H)

Năm 2019, dư nợ bất động sản tăng đột biến 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh 2020 - 2021, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt 12,06% và 15,7%.

Năm 2022, tín dụng cho vay bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó, hơn 90% tổng nợ dư là dư nợ trung và dài hạn. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng với lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn 2015 - 2023 chiếm tỷ trọng từ 18-21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ này có sự giảm dần từ năm 2020 tới năm 2022 và đạt cao nhất vào năm 2023. 

Dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng/tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2022 (68,72%) và thấp nhất vào năm 2023 (62,12%).

Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 nhằm quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 24-34%.

Về bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, lũy kế các tổ chức tín dụng đã cam kết bảo lãnh trong giai đoạn 2015 - 2023 đạt khoảng 307.000 tỷ đồng. Đến tháng 12/2023, số dư cam kết phát hành cho người mua nhà vay khoảng 35.600 tỷ đồng, chiếm hơn 4% dư nợ bảo lãnh. 

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đang mua khoảng 191.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tháng 12/2023.

Liên quan đến tình hình cấp tín dụng cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước nhận định các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro khi cho vay. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng, an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như cho hệ thống ngân hàng.

Trước đó, Bộ Xây dựng có đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Cùng chuyên mục