Giá bất động sản liên tục leo thang, chuyên gia cảnh báo chiêu trò "thổi giá"
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Hà Nội đang được đẩy giá lên cao ở mọi phân khúc và nhiều khu vực nhằm tạo "sóng". Nếu cứ để giá tiếp tục tăng thì nhu cầu ở thực không được đáp ứng, tạo hiện tượng đầu cơ, rối loạn thị trường bất động sản.
Giá bất động sản liên tục leo thang
Từ cuối năm 2023, thị trường bất động sản Hà Nội liên tục rơi vào tình trạng "sốt giá" do nguồn cung nhỏ giọt, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Các dự án nhà liền kề, biệt thực, đất thổ cư và nhà trong ngõ, ngách cũng bám sát đà tăng loại hình căn hộ chung cư.
Khảo sát cho thấy, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng 17% so với cùng kỳ 2023; tùy từng khu vực, mức độ quan tâm và mức giá tăng sẽ khác nhau. Đáng chú ý, nhiều dự án có mức tăng từ 30-40% chỉ sau 1 năm, thậm chí có nơi tăng gấp đôi so với giá gốc.
Theo sau đà tăng của loại hình chung cư, giá đất thổ cư tại 6 quận trung tâm thành phố (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm) và đất nền ở một số huyện ven đô (Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Hà Đông, Mê Linh, Gia Lâm…) cũng đã tăng giá trở lại.
Đơn cử, đất nền dự án Hà Phong, Cienco5 (huyện Mê Linh), cuối năm 2023 giá chỉ 30 - 32 triệu đồng/m2, nay đã tăng thêm 10 triệu đồng/m2 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đất nền trong ngõ nhỏ ô tô vào được tại các xã Đặng Xá, Cổ Bi, Kiêu Kỵ, Dương Xá (huyện Gia Lâm) duy trì mức giá 45 - 50 triệu đồng/m2; một số vị trí mặt đường lớn giá vẫn đi ngang 100 - 120 triệu đồng/m2.
Hay tại huyện Hoài Đức, giá trung bình tại những vị trí có thể kinh doanh được như Vân Canh, An Thượng, Di Trạch, La Phù, Kim Chung… hiện đang ở mức 60 - 75 triệu đồng/m2. Đất thổ cư xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) cũng từ 17 - 20 triệu đồng/m2 ở vị trí mặt đường đẹp trong làng, tăng 3 - 4 triệu đồng so với 2 năm trước…
Cũng ở thời điểm này, đất đấu giá ở một số huyện trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận giá trúng ở mức cao so với giá khởi điểm; một số vị trí đẹp, giá thậm chí tăng gấp đôi. Cụ thể, tại huyện Đông Anh, ngày 31/3, huyện tổ chức đấu giá thành công 40 thửa đất khu LK3 - LK4 xã Thụy Lâm. Với diện tích từ 87,5 - 140 m2, giá khởi điểm từ 23,5 - 24,5 triệu đồng/m2, giá trúng từ 42 - 59,5 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về hơn 170 tỷ đồng, chênh lệch 85 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Từ đầu năm đến nay, huyện Mê Linh cũng đấu giá gần 100 thửa đất với giá trúng từ 20,6 - 56,1 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm từ 19 - 27 triệu đồng/m2). Tổng số tiền trúng đấu giá trên 130 tỷ đồng, cao hơn 60 tỷ đồng so với giá khởi điểm…
Cảnh báo chiêu trò "thổi giá" bất động sản
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Hà Nội đang được đẩy giá lên cao ở mọi phân khúc và nhiều khu vực nhằm tạo "sóng". Thực tế phân khúc nhà đất nội đô luôn là nhu cầu ở thực nên việc tăng giá là tất yếu; song, diễn biến nhà trong ngõ hay đất nền ở một số quận rao bán với giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cao hơn nhà mặt phố là điều phi lý. Theo đó, nghi vấn các nhà đầu tư, các cấp trung gian mô giới đang "thổi giá" bất động sản được nhiều người đặt ra.
Số liệu cho biết, cuối năm 2023, Hà Nội vẫn tồn kho khoảng 27.500 căn chung cư, trong đó chủ yếu là trung và cao cấp (chiếm 85%), căn hộ sơ cấp chiếm 9%. Điều này cho thấy nguồn cung tại Hà Nội không thiếu mà chỉ thiếu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Lợi dụng thông tin này, một số nhà đầu tư, công ty kinh doanh bất động sản đưa ra dự báo thị trường thiếu tính minh bạch nhằm đẩy giá tăng cao không đúng giá trị thực. Nhiều người dân theo tâm lý đám đông nghĩ rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng nên vội đi mua nhà. Theo đó, chủ nhà, chủ đất cũng theo thông tin trên mạng lan truyền tự nâng giá bán.
Đáng chú ý, theo ghi nhận từ báo Tin tức, trong khi giá nhà đất tại Hà Nội, đặc biệt là chung cư đang "nóng" lên từng tuần thì đại diện lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội cho biết, đăng ký biến động nhà đất, bao gồm cả đất thổ cư và chung cư tại Văn phòng không ghi nhận tăng đột biến. Thậm chí số lượng hồ sơ nộp sau Tết Nguyên đán còn giảm ½ so với thời điểm cuối năm 2023. Cụ thể, tháng 11/2023, Văn phòng tiếp nhận hơn 22.000 hồ sơ thì tháng 2 vừa qua chỉ có hơn 10.000 hồ sơ.
Tại một số văn phòng công chứng, dịp sau Tết, người dân đến công chứng sang tên nhà đất có tăng nhưng không đến mức đột biến. Trung bình mỗi ngày, một văn phòng công chứng ở quận Cầu Giấy công chứng 3 - 4 hồ sơ; văn phòng công chứng ở quận Long Biên thực hiện khoảng 10 hồ sơ.
Theo các chuyên gia, hành vi thao túng thị trường bất động sản tạo giá ảo rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến người mua, không khác gì việc thao túng thị trường chứng khoán. Điều này khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch và không ổn định, trong khi Nhà nước chưa có chế tài xử lý mạnh.
- Bất động sản liên tục tăng giá, người trẻ nên thuê nhà hay mua nhà?
- Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng dự báo tăng 20%
- “Sục sôi” thị trường bất động sản căn hộ phía Tây Hà Nội
- Quy định mới về thủ tục đổi giấy phép lái xe từ 1/6
- Chăm cháu khi về già có 4 điều cấm kỵ không nên nói
- Có thể ăn thịt gà mỗi ngày được không?
- Các mặt hàng kim loại, lương thực, thực phẩm đều tăng cao kỷ lục
- 6 mẹo giúp biến phòng tắm trở nên rộng rãi, thoáng mát
- Có cần loại bỏ chỉ tôm khi chế biến không?