Thứ hai, 01/04/2024, 11:19 (GMT+7)

Tín dụng hết "dò đáy", ngân hàng kỳ vọng tiếp đà tăng trưởng

Nỗ lực đưa dòng vốn ra nền kinh tế của Chính phủ và các tổ chức ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tín dụng cả nước tăng trưởng trở lại trong tháng 3. Thời gian này, các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã tăng 0,26% so với cuối năm 2023, đạt 13,6 triệu tỉ đồng, riêng tháng 3 tăng 0,98%. Đây là tháng đầu tiên trong năm ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức dương. Trước đó, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong 2 tháng đầu năm đều ở mức âm. 

Để đẩy vốn ra nền kinh tế, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất thấp. Hiện lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.

Đến 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92% | Báo Đấu thầu
Tháng 3 là tháng đầu tiên trong 3 tháng đầu năm ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức dương với 0,98%. (Ảnh: M.H)

Cùng với đó là sự tham gia vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...

Các nỗ lực nói trên đã góp phần thúc đẩy tín dụng cả nước tăng trưởng trở lại trong tháng 3. Dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi tăng trở lại trong thời gian tới. Thời gian này, các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng. 

Cụ thể, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 35% so với năm 2023, tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%; Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 90,5%. OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023, dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng khoảng 20%.

Trước đó, một số ngân hàng như MB, ACB, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 10% năm nay.

Theo báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng tín dụng sẽ khởi sắc trở lại từ quý II và tăng tốc trong nửa cuối năm, giúp tình hình kinh doanh của ngân hàng khả quan hơn.

Đại diện ngân hàng Techcombank cho biết, động lực tăng trưởng năm 2024 của Techcombank đến từ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và cầu tín dụng. Doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt hơn, nhờ đó, tình hình kinh doanh ngân hàng năm nay cũng sáng sủa hơn.

Trong khi đó, đại diện MB kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong năm nay sẽ vượt 16%, nhờ sự tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ (đang chiếm 51% dư nợ của MB) và nỗ lực chuyển đổi số.

Dù chỉ tiêu lợi nhuận của một số ngân hàng cao vọt, song do các ngân hàng lớn (đặc biệt nhóm Big 4) đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, nên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm nay dự kiến không quá cao.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết năm nay chỉ 12-15%. Trong đó, động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ tín dụng - dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục - và sự phục hồi của biên lãi ròng nhờ giá vốn giảm. Tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý I/2024 cho thấy dấu hiệu phục hồi khá rõ ràng. Đáng lưu ý, tín dụng tiêu dùng bất động sản bắt đầu tăng trở lại.

Cùng chuyên mục