Chiến lược giá rẻ của Mixue tiếp tục được áp dụng tại Nhật bản
Chiến lược giá rẻ được Mixue tận dụng để bước chân vào thị trường Nhật bản, mặc những tranh cãi về việc ép giá cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam.
Thương hiệu Mixue lấn sân sang Nhật
Cuối tháng 6/2023, thương hiệu kem và trà sữa Trung Quốc - Mixue đã chính thức "tấn công" thị trường Nhật Bản với cơ sở đầu tiên tại khu phố Ikebukuro. Với chiến lược giá rẻ đến kinh ngạc, thương hiệu dễ dàng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Cụ thể, Mixue bán giá 100 yên (khoảng 17 nghìn đồng) đối với trà, 360 yên đối với trà sữa (khoảng 69 nghìn đồng) và 160 yên đối với kem (khoảng 26 nghìn đồng). So với các đối thủ cạnh tranh khác như Gong Cha, mức giá Mixue đưa ra chỉ bằng khoảng 60%.
Hiện tại, sau 4 tháng thâm nhập thị trường Nhật Bản, thương hiệu này đã có 5 cơ sở cố định tại Osaka và Tokyo - những trung tâm kinh tế lớn nhất của xứ sở hoa anh đào. Mục tiêu trong năm 2023 của Mixue là mở rộng thị trường với 15 cửa hàng và khai thác lợi thế về mức giá thấp. Hướng tới năm 2028, thương hiệu sẽ tập trung vào mô hình nhượng quyền với 1.000 cửa hàng.
Chiêu thức nhượng quyền - chiến lược giá rẻ tại Việt Nam
Cách tiếp cận thị trường Việt Nam và Nhật Bản tương đối giống nhau. Đó là việc sử dụng chiến lược giá rẻ trong marketing để lấy lòng khách hàng, từ đó thu hút các nhà đầu tư nhượng quyền và thu lợi nhuận từ các cửa hàng này. Trên thực tế, khách hàng chính của Mixue không phải là người tiêu dùng mà đến từ các khoản phí nhượng quyền.
Nhiệm vụ của thương hiệu là khiến cho các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng và lợi nhuận của mô hình này. Sau đó, Mixue sẽ mở ra các cửa hàng cố định và thu hút người mua với chiến lược giá rẻ, đồng thời ổn định chất lượng sản phẩm. Sự thành công của các cửa hàng “mồi” sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư rót vốn, mua cửa hàng nhượng quyền.
Tại Việt Nam, khi nhu cầu nhượng quyền đã bão hòa vì mật độ các cửa hàng dày đặc, Mixue đã không còn mặn mà với lượng khách hàng này. Điều này được chứng minh khi thương hiệu không còn đầu tư cho các chiến dịch marketing rầm rộ nữa. Thay vào đó, chủ của các cửa hàng nhượng quyền bắt đầu nhìn nhận vấn đề trong chính sách nhượng quyền và cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Mixue vắt cạn tiềm năng thị trường.
Đối với thị trường Nhật Bản, toan tính nhân rộng của Mixue sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi Cotti Coffee là đối thủ đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân.