Liên tiếp phát hiện, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm
Qua kiểm tra, vi phạm chủ yếu tại các cơ sở kinh doanh vàng là không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các thương hiệu nổi tiếng...
Thông tin từ Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang cho biết, qua kiểm tra đột xuất đã phát hiện 12/12 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy có vi phạm phải xử phạt hành chính, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.
Cụ thể, thực tế kiểm tra, Đội QLTT số 5 Cục QLTT tỉnh Tiền Giang phát hiện các cơ sở này đã thực hiện thành vi vi phạm hành chính là không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt đối với 12 doanh nghiệp với tổng số tiền 180 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường còn buộc các cơ sở kinh doanh này phải tháo dỡ biển hiệu theo quy định.
Tiếp đó, ngày 9/5, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bình Phước đã thực hiện kiểm tra 2 tổ chức kinh doanh vàng trên địa bàn và phát hiện hành vi vi phạm tương tự. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt 2 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng.
Trước đó, ngày 3/5, Cục QLTT tỉnh Long An đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn TP Tân An và huyện Châu Thành do có hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng số tiền xử phạt là 57 triệu đồng và buộc 2 doanh nghiệp liên hệ với tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa để thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Theo đó, trong hai ngày 5/4 và 11/4, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Long An) tiến hành kiểm tra 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn huyện Châu Thành và TP Tân An. Qua kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại 2 doanh nghiệp, phát hiện có 140 sản phẩm vàng trang sức có nhãn hàng hóa nhưng không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Ngoài hành vi vi phạm trên, một doanh nghiệp còn vi phạm, không đảm bảo điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa, dịch vụ theo quy định. Tính đến thời điểm ngày 10/5/2024, Cục QLTT tỉnh Long An đã thực hiện kiểm tra 25 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, phát hiện 24 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 122,5 triệu đồng.
Hay, Cục QLTT tỉnh Cà Mau cũng vừa ban hành quyết định xử phạt tổng cộng 272 triệu đồng đối với 6 doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, trong đợt kiểm tra đột xuất từ ngày 11 - 19/4 vừa qua.
Theo đó, trong đợt kiểm tra trên, Đội QLTT số 6 Cục QLTT tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện 8 vụ vi phạm, trong đó có 6 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ Chanel tại Việt Nam và 2 vụ vi phạm về niêm yết giá (không niêm yết giá). Đối với hai doanh nghiệp vi phạm về niêm yết giá, Đội QLTT số 6 đã tiến hành phạt hành chính mỗi doanh nghiệp với số tiền là 1,5 triệu đồng.
Ngoài xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các doanh nghiệp trên là buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm bằng cách loại bỏ hoàn toàn những logo được đính, đúc trái phép trên hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tổng trị giá hàng hóa giả mạo nhãn hiệu buộc tiêu hủy là hơn 150,8 triệu đồng.
Kinh doanh trang sức giả mạo thương hiệu có thể bị xử lý hình sự
Luật Sở hữu trí tuệ xác định, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá có gắn dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) đang được bảo hộ sử dụng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý).
Theo khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là những hành vi sau đây được thực hiện nhưng không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Căn cứ khoản 15; điểm a, điểm b, điểm d, khoản 17 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm d khoản 10 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Mặt khác, buộc phải thực hiện các việc sau nhằm khắc phục hậu quả: Buộc loại bỏ nhãn hiệu và tiêu hủy nhãn hiệu; Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Ngoài ra, nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200 triệu đồng trở lên hoặc trị giá hàng hóa vi phạm từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức xử phạt tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...