Chuyên gia đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trước diễn biến của thị trường vàng
Thời gian gần đây, giá vàng liên tục biến động. Các chuyên gia đưa ra hàng loạt lời khuyên bổ ích đối với các nhà đầu tư.
Giá vàng liên tục 'lên đỉnh'
Theo Thương Trường, những ngày gần đây, giá vàng SJC trong nước không những không dịu xuống như kỳ vọng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức loạt buổi đấu thầu mà còn tăng mạnh mẽ hơn. Tuần trước, mỗi ngày giá vàng lại xô đổ kỷ lục cũ. Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng vàng vượt ngưỡng 92 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng.
Từ mức giá kết thúc tuần liền trước ở khoảng 83,60 - 85,90 triệu đồng/lượng, sau 1 tuần giao dịch, thương hiệu vàng SJC đã vọt lên 88,80 – 91,30 triệu đồng/lượng chốt tuần (tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn). Như vậy, mức tăng cho cả tuần là khoảng 5,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, An ninh thủ đô thông tin.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 87,7 - 89,2 triệu đồng/lượng, tăng 4,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần gần nhất.
Trong khi đó, vàng nhẫn có diễn biến tương đối sát với thị trường quốc tế. Chốt tuần, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp phổ biến tăng quanh khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.
Nhẫn 9999 của SJC chốt tuần trước đó được niêm yết giá mua - bán tại 74,85 – 76,55 triệu đồng/lượng; Nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Bảo Tín Minh Châu 75,43 – 76,93 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Phú Quý 74,10– 75,60 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Phú Quý 75,75 – 77,20 triệu đồng/lượng…
Mua vàng thời điểm này gặp nhiều rủi ro
Chia sẻ về việc có nên mua vàng thời điểm này hay không, chuyên gia cho rằng mua vàng thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang thúc giục NHNN đẩy mạnh việc giảm khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới. Vì vậy, nhà đầu tư dài hạn và an toàn nên cân nhắc không nên đầu tư vàng thời điểm này bởi có thể đối đầu với nhiều rủi ro.
Trao đổi với Thương Trường, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá. Chưa kể trường hợp nếu giá vàng thế giới thời gian tới giảm, người mua tiếp tục chịu cảnh lỗ chồng lỗ.
Tương tự, TS. Kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng nếu mua vàng thời điểm này, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép. Rủi ro thứ nhất, vì giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD, khả năng lên và xuống như nhau. Rủi ro thứ hai là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao. Bởi vậy, với những người đầu tư dài hạn không nên chạy theo tài sản đầu tư đang có nhiều rủi ro như vàng.
Đặc biệt người dân thường có xu hướng chạy theo đám đông. Tuy nhiên, cần hiểu rằng không phải nhà đầu tư nào cũng mua vào - bán ra đúng lúc để không bị lỗ. Mà hầu như đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại, không chỉ trong vàng mà trong nhiều tài sản đầu tư khác.
Đầu tư vàng sao cho hợp lý?
Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho biết để lựa chọn đầu tư một tài sản sẽ có 6 yếu tố cần quan tâm đó là chu kỳ kinh tế, cấu trúc vốn, tính thanh khoản, thời gian đầu tư, biến động lợi nhuận và các thủ tục thuế phí. Với vàng thì có thể không cần quan tâm nhiều đến tính thanh khoản, cấu trúc vốn nhưng cần quan tâm đến chu kỳ kinh tế và thời gian đầu tư.
Chuyên gia Huấn cũng khuyến nghị, trong quản lý tài chính cá nhân tỷ trọng vàng nên ở khoảng dưới 10% tổng tài sản, và nắm giữ trong thời gian dài với mục tiêu chính là phòng thủ tài chính. Đặc biệt, dùng làm quỹ khẩn cấp cho gia đình, cầm dài hạn lợi nhuận 8-9% trung bình, bởi với các nhà đầu tư không chuyên thì đầu tư vàng là khá rủi ro.
Nhà đầu tư có thể xem xét mua và giữ vàng trơn vì so với vàng miếng SJC, vàng trơn đang theo sát hơn với giá vàng của thế giới. Ông Huấn cũng dự đoán giá vàng khó giảm trong 2024 và biên độ có thể tăng thêm khoảng 10% nữa.
Các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân cho rằng việc lựa chọn kênh đầu tư còn tùy thuộc vào, mục tiêu, kiến thức và khẩu vị rủi ro.
Giá vàng vẫn còn khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mặt hàng này lại tiềm ẩn rủi ro từ biến động chính sách điều chỉnh của Nhà nước, vì vậy với quản lý tài chính cá nhân cần ưu tiên vàng là tài sản phòng thủ, và tư duy đầu tư là nắm giữ tài sàn này dài hạn.