Chủ nhật, 05/05/2024, 11:48 (GMT+7)

Làn sóng phá sản càn quét ngành bán lẻ thời trang toàn cầu

Tùng Lâm (Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp)

Sự sụp đổ của thương hiệu Esprit tại Bỉ, với việc đóng 15 cửa hàng chỉ là một ví dụ trong làn sóng phá sản của ngành bán lẻ thời trang toàn cầu.

Vị trí trung gian giữa phân khúc bình dân và cao cấp không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự sụp đổ của các thương hiệu thời trang tầm trung như Esprit. Các yếu tố khác bao gồm mô hình kinh doanh, chi phí thuê mặt bằng và khách hàng đều góp phần vào tình hình khó khăn của các thương hiệu thời trang hiện nay.

Làn sóng phá sản

Sự sụp đổ của thương hiệu Esprit tại Bỉ, với việc đóng cửa 15 cửa hàng chỉ là một ví dụ trong làn sóng phá sản đang ảnh hưởng đến ngành bán lẻ thời trang toàn cầu. Nhiều thương hiệu đã đối mặt với tình trạng phá sản và tái cơ cấu, với những cái tên quen thuộc như The Body Shop, Grand Optical, Big Bazar, Score, Fun, Handyman, Vastiau-Godeau, Makro, Cassis, Paprika, Scotch&Soda, Go Sport, C&A, MaxiToys, Dreambaby, Krëfel...

Esprit-shutting-down
Esprit-shutting-down

Tình trạng phá sản không chỉ diễn ra ở Bỉ. Số liệu từ Pháp cho thấy tới 62 mạng lưới bán lẻ, tương ứng với hàng nghìn cửa hàng, đã tuyên bố phá sản trong năm 2023. Trong số chúng, ngành thời trang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với sự sụp đổ của Jennyfer, Kaporal, Kookaï, Sergent Major, Naf Naf, Camaïeu và Pimkie.

Muôn vàn thách thức

Ngành bán lẻ, đặc biệt là ngành hàng thời trang, đang phải đối mặt với vô số khó khăn, được ví như những "thảm họa" đeo bám dai dẳng trong suốt 4 năm qua: đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, chi phí leo thang, siêu lạm phát, sức mua giảm sút, tâm lý e dè của người tiêu dùng, những khoản đầu tư tốn kém cho các sáng kiến bền vững và chuyển đổi số...

Giáo sư Gino Van Ossel, chuyên gia về bán lẻ tại Trường Kinh doanh Vlerick, nói rằng trước đại dịch COVID-19, nhiều thương hiệu đã không thể chống chọi sự bùng nổ của thương mại điện tử. "Lúc đó, không ai ngờ rằng những thương hiệu sống sót lại vấp phải những trở ngại khác", ông nhận định và dự đoán danh sách này sẽ còn tiếp tục dài thêm.

Jean Baheux, giám đốc bộ phận bán lẻ tại Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield, dự báo các thương hiệu tầm trung sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Phân khúc tầm trung đang gặp khó khăn, cụ thể là các thương hiệu nằm giữa phân khúc bình dân và cao cấp vốn đang rất thành công. Vì người tiêu dùng ngày nay có nhiều tiêu chí lựa chọn khác nhau. Họ không muốn mua hàng giá rẻ nhất, mà muốn nhận được giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra, bao gồm chất lượng tốt hơn, độ bền cao hơn, kiểu dáng thời trang hơn và tính độc đáo hơn", ông Jean Baheux nhận xét.

Ông lấy ví dụ về trường hợp của Cassis và Paprika. "Mọi người đồn rằng họ đang trong thủ tục tái cấu trúc, nhưng chỉ Cassis, một chuỗi bán lẻ tổng hợp đang mất khách hàng, mới thực sự áp dụng thủ tục này. Ngược lại, Paprika, thương hiệu chuyên về trang phục cỡ lớn, lại có khả năng chống chọi tốt do đáp ứng được nhu cầu đặc biệt của một nhóm khách hàng và trở thành điểm đến mua sắm thực sự thu hút.

Cùng chuyên mục