Thời trang hữu cơ có ưu điểm vượt trội nhưng giá thành bao nhiêu?
Thời trang hữu cơ an toàn, đem đến cảm giác dễ chịu cho người sử dụng, nhưng giá thành của quần áo từ vải hữu cơ sẽ cao hơn so với quần áo từ vải thông thường.
Thời trang hữu cơ thêm lựa chọn cho người tiêu dùng
Thời trang hữu cơ có những ưu điểm vượt trội mà người sử dụng dễ dàng cảm nhận được. Vải hữu cơ thoáng khí và có khả năng thấm hút mồ hôi cực kỳ tốt. Thời trang từ vải hữu cơ mang đến cho người dùng cảm giác thoáng mát và thoải mái, thoát khỏi mùi mồ hôi khó chịu và lưu hương tự nhiên lâu hơn.
Khác với các loại vải thông thường, vải hữu cơ đặc biệt an toàn cho sức khoẻ, không gây dị ứng da vì sợi vải bông hữu cơ không có tàn dư thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón trong quá trình canh tác và không hoá chất trong khâu xử lý vải.
Quá trình canh tác bông hữu cơ (organic cotton) hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học nên không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sản xuất vải hữu cơ sử dụng ít nước sạch hơn so với vải thông thường. Điều này rất quan trọng đối với các quốc gia thiếu nước sạch và thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Ngoài ra, việc giảm thiểu hóa chất trong việc sản xuất vải hữu cơ trở thành một phần bảo vệ sức khoẻ người lao động trong ngành thời trang giảm thiểu việc tiếp xúc với những hóa chất độc hại tại môi trường làm việc.
Quá trình canh tác, sản xuất và xử lý vải hữu cơ yêu cầu phải tuân thủ một quy trình và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe. Ước tính hiện tại, lượng bông hữu cơ rất khan hiếm, chỉ chiếm 2% tổng lượng bông trên toàn thế giới. Bởi vậy, giá thành của quần áo từ vải hữu cơ thường cao hơn so với quần áo từ vải thông thường.
Ở các quốc gia phát triển như châu Âu và Mỹ, thời trang hữu cơ đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Xu hướng thời trang hữu cơ thể hiện nhu cầu ngày càng tăng về lối sống bền vững và chú trọng đến nguồn gốc của sản phẩm.
Mức giá của một chiếc áo phông trơn chất liệu hữu cơ thường dao động từ khoảng 850.000 đồng đến 1.500.000 đồng, tùy thuộc vào thương hiệu và kiểu dáng. Ví dụ, Yes Friends - một trong những thương hiệu nổi tiếng về thời trang hữu cơ, trung bình một chiếc quần jeans sẽ có giá tầm 1.450.000 đồng.
Tại Việt Nam, trước kia vải hữu cơ thường được sử dụng trong quần áo cho trẻ em, hoặc một số thiết kế độc đáo từ thương hiệu thời trang quan tâm tới môi trường. Hiện nay, một số thương hiệu “made in VietNam” đã bắt đầu sản xuất những sản phẩm cơ bản với mức giá “thân thiện” hơn với đại đa số người tiêu dùng.
Một chiếc áo phông trơn màu mộc có giá bán dao động khoảng từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Mức giá này có thể cao hơn một chiếc phông trơn thông thường, nhưng sản phẩm được đảm bảo chất lượng bằng chứng chỉ GOTS - chứng chỉ toàn cầu về chất liệu hữu cơ - đi kèm, cũng có nghĩa khẳng định sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ và quy trình sản xuất bền vững.
Việc sử dụng vải hữu cơ trong các sản phẩm giúp mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng, từ bộ sưu tập thời trang hàng ngày đến những chiếc áo phông trơn màu mộc, đều được sản xuất với sự chú trọng đặc biệt đến nguồn gốc và chất lượng.
Những thương hiệu này không chỉ nhắm đến đối tượng người tiêu dùng chủ động trong việc chọn lựa sản phẩm hữu cơ mà còn đang đóng góp vào việc nâng cao ý thức về bền vững trong ngành thời trang tại Việt Nam.
Điều này là một bước quan trọng trong hành trình chuyển đổi toàn diện hơn của ngành công nghiệp thời trang, thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm hữu cơ và giúp tạo ra một thị trường bền vững và ý thức về môi trường quốc gia.
Cẩn trọng với thời trang hữu cơ “tự phong”!
Nếu một sản phẩm thời trang hữu cơ được bán với giá dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng thì người tiêu dùng có quyền nghi ngờ chất lượng và quá trình sản xuất sản phẩm có thực sự như lời quảng bá.
Không ít thương hiệu tự nhận là thời trang hữu cơ nhưng bán sản phẩm với giá thành rẻ một cách bất hợp lý. Đơn giản là bởi những sản phẩm này thường được sản xuất với mục đích giả mạo hữu cơ, không đi kèm chứng chỉ chất liệu hữu cơ, sử dụng thuốc nhuộm tổng hợp với màu sắc, mẫu mã vô cùng đa dạng.
Kiểm tra chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ GOTS của thương hiệu, xác định xuất xứ của sản phẩm, tham khảo giá thành (không thể quá thấp)… là cách để người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm thời trang hữu cơ.
- 3 xu hướng mới của 2024 được TikTok và Instagram dự đoán
- Xu hướng tìm kiếm nổi bật 2023 tại Việt Nam được Google công bố
- Những màu sơn được dự đoán sẽ “lên ngôi” trong năm 2024
- 3 xu hướng mới của 2024 được TikTok và Instagram dự đoán
- Xu hướng tìm kiếm nổi bật 2023 tại Việt Nam được Google công bố
- Những màu sơn được dự đoán sẽ “lên ngôi” trong năm 2024
- Cách bảo quản quần vải jean luôn mới đẹp, không phai màu
- Mách bạn 7 mẹo kiểm tra nước hoa thật - giả để tránh mất tiền oan
- 7 mẹo sắp xếp góc làm việc giúp mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo