Chủ nhật, 05/05/2024, 10:48 (GMT+7)

Chuyên gia chỉ ra yếu tố bất ngờ khiến các cuộc đấu thầu vàng miếng 'ế khách'

Trong 4 lần ra thông báo đấu thầu thì có tới 3 lần, NHNN phải hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp dự thầu. Đáng chú ý, sau các phiên đấu thầu dù thành công hay tạm hoãn thì giá vàng trong nước vẫn không được kiểm soát và có dấu hiệu tăng "nóng". Điều này khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của giải pháp này.

Doanh nghiệp không mặn mà 

Kể từ thông báo mở lại các phiên đấu thầu vàng miếng vào ngày 17/4, đến nay NHNN đã có 4 lần gọi đấu thầu vàng. Tuy nhiên, chỉ có một lần tổ chức thành công nhưng số lượng vàng trúng thầu cũng chỉ bằng 20% số lượng vàng chào thầu. Như vậy, trong 4 lần ra thông báo đấu thầu thì có tới 3 lần bị hủy do không đủ số lượng thành viên tham gia. 

Lý giải về điều này, giới chuyên gia đã chỉ ra 2 yếu tố chính khiến các phiên đấu thầu của NHNN “ế khách”. Đó là mức giá tham chiếu và khối lượng vàng trúng thầu tối thiểu, theo VietnamFinance. 

Liên quan đến giá tham chiếu, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục đích của đấu thầu vàng miếng là để tăng cung cho thị trường, từ đó thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức giá tham chiếu mà NHNN đưa ra vẫn còn cao, không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Chưa kể, giá vàng thế giới cũng đang trên đà giảm. Vậy nên động lực để các doanh nghiệp mua vào nhằm kiếm lợi nhuận là không có, khiến nhiều doanh nghiệp thờ ơ.

Nhận ra vấn đề này, NHNN cũng đã từng giá tham chiếu từ 81,8 triệu đồng/lượng xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng sau khi phiên đấu thầu đầu tiên bị hủy (phiên ngày 22/4). Ngay sau đó, đã có 11 đơn vị tham gia đấu thầu trong phiên tiếp theo và có 2 doanh nghiệp trúng thầu.

Thumb (66)
Trong 4 lần ra thông báo đấu thầu vàng miếng SJC thì có tới 3 lần bị hủy. (Ảnh: Công Thương)

Cũng theo giới chuyên gia, số lượng trúng thầu tối thiểu cũng là nguyên do khiến nhiều doanh nghiệp không 'mặn mà' với các phiên đấu thầu của NHNN. Theo nhiều chuyên gia, NHNN cần phải xem xét sửa đổi nếu không muốn các phiên đấu thầu tiếp tục vắng bóng doanh nghiệp.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thay vì 1.400 lượng như hiện nay. 

Theo ông Long, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ, mà mua vào bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn bởi biến động của giá vàng rất phức tạp. Trong khi đó, nhu cầu vàng miếng của người dân đang dần dịch chuyển sang vàng nhẫn. Chưa kể, sau khi trúng thầu, phải tới 2 ngày sau vàng mới được giao khiến các doanh nghiệp ngại ngần.

Cũng theo ông Long, NHNN cũng có cái khó riêng của mình. Việc cung ứng vàng ra thị trường với mức giá thấp không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng như hiện nay. Theo đó, vấn đề cần đặt ra cho NHNN là làm sao để hài hòa giữa việc quản lý thị trường vàng và kiểm soát tỷ giá. 

Hoài nghi về tính hiệu quả 

Một thực tế khác là sau các phiên đấu thầu, dù thành công hay tạm hoãn thì giá vàng trong nước vẫn không được kiểm soát và có dấu hiệu tăng "nóng". Cá biệt, sau thông báo hủy đấu thầu phiên ngày 3/5 của NHNN, giá vàng SJC nhảy vọt lên mức 85,9 triệu đồng/lượng - mức cao nhất từ trước đến nay. 

Nhìn lại diễn biến trong hai tuần qua, giá vàng trong nước ghi nhận đà tăng thẳng đứng, đi ngược với đà giảm của giá vàng thế giới. Kéo theo đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng bị nới rộng, lên khoảng 15 triệu đồng/lượng.

vang-157202320231005051027
Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn. (Ảnh: Công Thương)

Thực tế này khiến nhiều người phải hoài nghi về tính hiệu quả của các phiên đấu thầu vàng miếng. Cũng theo các chuyên gia, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, không phải là “liều thuốc” chữa dứt điểm căn bệnh của thị trường vàng hiện nay. Sau hơn 10 năm với nhiều thay đổi, chỉ đấu thầu là không đủ để hạ nhiệt thị trường vàng, theo VietnamFinance.

Trước đó, Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, từng lên tiếng rằng NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng việc đấu thầu vàng khi bối cảnh năm 2013 và năm 2024 có nhiều khác biệt, trong đó có áp lực về tỷ giá. Trong năm đầu tiên tổ chức đấu thầu, chỉ số DXY còn thấp, áp lực về tỷ giá không căng thẳng như hiện tại, ông nói.

Liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng NHNN cần xem xét, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. “Câu chuyện giá vàng phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Nếu sửa Nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng”. 

Trong khi đó, TS Nguyên Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng NHNN cần tính đến việc điều hành giá vàng tương tự như điều hành tỷ giá.

NHNN có thể tính đến việc xác định một mức chênh lệch giá phù hợp. Chẳng hạn đặt biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là +/-2%. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2%, NHNN có thể nhập khẩu vàng về để bình ổn thị trường. Trường hợp ngược lại, NHNN có thể mua vàng để chặn đà rơi”, ông nói.

Cùng chuyên mục