Thứ tư, 15/11/2023, 09:39 (GMT+7)

Làm thế nào để phòng tránh bệnh liệt mặt vào mùa lạnh?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Liệt mặt không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách.

Liệt mặt mùa lạnh là gì?

Liệt mặt còn gọi là liệt dây thần kinh ngoại biên số VII, Căn bệnh này thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền từ người này sang người khác. Số lượng thống kê cho thấy phụ nữ mang thai, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn những người khác.

liet mat Tiepthigiadinh H1
Nếu có cảm giác tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt... hãy chú ý tới bệnh liệt mặt

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến liệt mặt như: liệt mặt mùa lạnh, viêm tai giữa, đột quỵ, chấn thương mặt, hội chứng Ramsay – Hunt, u vùng sọ não, một số bệnh tự miễn ảnh hưởng thần kinh… Trong đó, liệt mặt do lạnh là là nguyên nhân phổ biến nhất gây liệt mặt. Nhiều bác sĩ cho rằng, liệt mặt do lạnh có thể liên quan đến tình trạng nhiễm virus ở dây thần kinh mặt. Hầu hết những người bị liệt mặt do lạnh đều hồi phục hoàn toàn trong khoảng 1 tuần - 6 tháng.

Cách nhận biết dấu hiệu liệt mặt mùa lạnh

Biểu hiện liệt mặt do lạnh là tình trạng liệt mặt một bên gồm các dấu hiệu như sau:

  • Sau khi ngủ dậy hoặc khi thay đổi thời tiết đột ngột, người bệnh cảm giác tê bì nửa mặt
  • Soi gương thấy mặt bị xệ, mất cân đối, hơi cứng khác thường, mất hoặc mờ nếp nhăn trán
  • Liệt cơ khép vòng mi khiến mắt phía bên mặt bị liệt không nhắm kín được
  • Khó cử động, khó cười nói, đau trong tai, nhức đầu
  • Không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán
  • Miệng méo sang một bên, uống nước bị trào ra ngoài phía miệng bên mặt liệt
  • Mất vị giác, nước mắt, tăng lượng nước bọt trong miệng khi nói chuyện hoặc ăn uống.

Để được chẩn đoán chính xác tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, khi phát hiện những biểu hiện trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được điều trị theo mách bảo, điều trị tại nhà tránh nguy hại đến tính mạng.

liet mat Tiepthigiadinh H2
Châm cứu là một cách để chữa trị liệt mặt mùa lạnh

Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách trong giai đoạn vàng từ 2 - 3 tuần ngay sau bị, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị bao gồm: dùng thuốc tây y, corticoid, vitamin, thuốc dẫn truyền thần kinh, Đông y dùng thêm thuốc sắc, kết hợp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, thủy châm, cứu ngải, chiếu đèn hồng ngoại…

Trường hợp nhẹ hoặc điều trị sớm có thể hồi phục trong thời gian trung bình từ 2 - 4 tuần. Trường hợp điều trị muộn (sau hơn 1 tháng kể từ khi bị) và không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt. Trong một số trường hợp như bệnh nhân đã bị liệt lâu ngày, liệt nhẹ khó phân biệt được liệt mặt kiểu trung ương hay ngoại biên phải sử dụng điện cơ hoặc MRI não để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây liệt mặt.

Cách phòng tránh bệnh liệt mặt do lạnh

Điều quan trọng nhất để phòng tránh bệnh liệt mặt do lạnh là tránh gió lạnh đột ngột. Cần lưu ý những điều sau:

- Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10 - 15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài

- Khi ra khỏi nhà nên mặc ấm, cổ quàng khăn len, đầu đội mũ ấm, đeo găng, đi tất, đeo thêm khẩu trang rộng có hai lớp để vừa tránh bụi vừa giữ ấm cho mặt, mũi. Trẻ nhỏ cần có thêm tấm chắn gió và không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.

- Nếu đi ngoài đường quá lạnh hoặc dính mưa thì khi về nhà cần lau khô người và uống 1 cốc nước ấm, lấy tay xoa đều vùng mặt để làm ấm mặt… Sau khi uống rượu, bia không đi ngoài trời lạnh hay tắm. 

- Gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi nên dùng máy điều hòa 2 chiều có sưởi ấm hay lò sưởi vào mùa lạnh. Tuyệt đối không dùng bếp củi, bếp than để tránh bị ngộ độc khí CO.

liet mat Tiepthigiadinh H3
Giữ ấm cơ thể là cách làm tốt nhất để phòng tránh liệt mặt

- Trước khi đi ngủ cần đóng kín cửa để tránh gió lùa và không để khí lạnh ở ngoài tràn vào phòng ngủ. Lúc ngủ, cơ thể phải được ấm từ đầu đến chân, chú ý không bít quá kín kẻo ra mồ hôi thấm ngược vào phổi gây viêm phổi.

- Người cao tuổi, có bệnh về thận, bệnh đái tháo đường... nên để sẵn một chiếc mũ ấm và một áo khoác ấm hoặc một chiếc chăn nhỏ, khi tỉnh dậy đi tiểu cần đội mũ, khoác áo ấm hoặc khoác chăn để tránh lạnh đột ngột.

- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên

- Ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp…

Cùng chuyên mục